Tam Quốc là thời kỳ diễn ra nhiều trận chiến đẫm máu nhằm tranh giành quyền lực, thống nhất thiên hạ. Đỉnh cao là những cuộc đấu trí nảy lửa giữa ba tập đoàn chính trị mạnh nhất lúc bấy giờ, đó là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô.
Ngoài ra, sức hấp dẫn của Tam Quốc còn ở những giao chiến giữa những mãnh tướng hàng đầu.
Trong Tam Quốc, khi nhắc đến danh tướng số một Tam Quốc, mọi người đều cho rằng đó là Lã Bố. Bởi Lã Bố không những là vị tướng thiện chiến nhất khi có sức mạnh phi thường, tinh thông võ nghệ, đồng thời còn sở hữu hai cực phẩm mà người đời mơ ước, đó là ngựa Xích Thố và "thần khí" Phương Thiên Họa Kích. Điều này khiến sức mạnh của Lã Bố nhân lên gấp bội.
Tuy nhiên, khi xét về thực lực, một người có thể đơn đả độc đấu với Lã Bố để cạnh tranh danh hiệu danh tướng số một Tam Quốc.
Lã Bố dũng mãnh, không có vị tướng nào của Tào Tháo là đối thủ của ông. Nhưng điểm yếu chí mạng của Lã Bố chính là không giữ vững lập trường và không có ý chí làm tướng khi đánh không được thì bỏ chạy.
Trong lịch sử Tam Quốc, Lã Bố từng ba lần đổi chủ và đây cũng là vết nhơ lớn trong cuộc đời ông. Do đó, Trương Phi coi thường và gọi Lã Bố là gia nô ba họ.
Xét về tính cách, Trương Phi hoàn toàn trái ngược với Lã Bố. Cụ thể, Trương Phi dũng mãnh, hào hiệp và rất quyết đoán. Đối mặt với kẻ thù không thể đánh bại, Trương Phi không bỏ chạy như Lã Bố mà cố gắng chiến đấu đến cùng.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, khi đơn đã độc đấu, dù gặp bất lợi do thiếu kinh nghiệm chiến đấu nhưng Trương Phi nhất quyết không bỏ cuộc và muốn đánh bại Lã Bố. Hai bên giao chiến hơn 50 hiệp mà vẫn chưa rõ bên nào thua, bên nào được.
Điều này khẳng định Trương Phi chính là một trong số rất ít võ tướng có khả năng đơn đả độc đấu với Lã Bố, vị tướng mang danh "vô địch thiên hạ" lúc bấy giờ.
Sau đó, khi Quan Vũ và Lưu Bị cùng tham chiến, cục diện trận đấu đã thay đổi. Lã Bố thoát khỏi vòng vây và cuối cùng rút lui. Điển tích này được gọi là tam anh chiến Lã Bố.
Ngoài ra, trong Tam Quốc diễn nghĩa, tại Hồi 16, cũng có mô tả trận chiến kéo dài hơn 100 hiệp giữa Trương Phi và Lã Bố. Hai võ tướng đã giao chiến hơn 100 hiệp không phân thắng bại. Bấy giờ, vì lo sợ có sai sót nên Lưu Bị ra lệnh rút quân vào thành.
Sau này, khi Lã Bố gia nhập dưới trướng của Lưu Bị, Trương Phi vẫn không có thiện cảm và hết lần này đến lần khác khiêu khích Lã Bố. Tuy nhiên, dù có gặp lúc Trương Phi đang say rượu thì Lã Bố cũng không đủ dũng khí để đơn đả độc đấu.
Sau khi Quan Vũ buộc phải tạm quy hàng dưới trướng của Tào Tháo vì sự an toàn của hai vị phu nhân của Lưu Bị, ông đã giết chết hai tướng Nhan Lương, Văn Xú để đáp lại ân tình của vị quân chủ này.
Tào Tháo hết lòng khen ngợi Quan Vũ bởi ông trở nên bất khả chiến bại trong doanh trại. Tuy nhiên, Quan Vũ lúc này nói với Tào Tháo rằng: "Tôi đã thấm vào đâu, em tôi là Trương Dực Đức (tức Trương Phi) còn có thể trong đám quân trăm vạn mà lấy đầu thượng tướng dễ như lấy vật gì ở trong túi".
Câu nói này cho thấy Quan Vũ đánh giá rất cao võ lực của Trương Phi.
Tào Tháo nghe thấy điều này đương nhiên càng dè chừng Trương Phi. Sau này, trong trận Trường Bản năm 208, dù dẫn đầu trăm vạn quân, nhưng chỉ cần nơi Trương Phi đóng quân thì Tào Tháo cũng không dám tấn công.
Từ những phân tích trên cho thấy, Trương Phi có thể cạnh tranh với Lã Bố để trở thành danh tướng số một Tam Quốc.
Theo các ghi chép trong lịch sử, Trương Phi được đánh giá là người văn võ song toàn, khi không chỉ giỏi võ nghệ mà còn có khả năng viết chữ, vẽ tranh rất đẹp. Dù nổi tiếng là người nóng nảy nhưng Trương Phi vô cùng dũng mãnh và có võ lực hơn người. Trong Tam Quốc diễn nghĩa, hình tượng Trương Phi nổi tiếng sử dụng vũ khí là bát xà mâu, cưỡi tuấn mã Ô Vân Đạp Tuyết.