Mùa đánh bắt sau tết Nguyên đán thường dễ khai thác được những mẻ cá lớn. Các tàu đánh bắt xa bờ thường phấn khởi vươn khơi, mang theo những niềm hi vọng.
Thế nhưng, nhiên liệu chiếm hơn 60% chi phí một chuyến đi biển. Nên khi giá dầu tăng, chi phí 1 chuyến ra khơi sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Ông Trương Văn Mãn, ngư dân ở phường Phú Hài (TP.Phan Thiết) cho biết, giá xăng dầu tăng làm nhiều tàu đánh bắt xa bờ phải tính toán kỹ hơn cho chuyến vươn khơi.
Từ giữa trung tuần tháng 2 đến nay, giá xăng dầu tăng cao, vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Giá dầu tiếp tục được điều chỉnh lên 19,865 đồng/lít, tăng 900 đồng/lít so với trước.
Ông Mãn tính toán, 1 chuyến đánh bắt ở vùng biển Trường Sa tiêu tốn hơn 8.000 lít dầu, gần 140 triệu đồng, tăng khoảng 30% so với trước.
Đa số tàu đánh bắt xa bờ ở Phan Thiết phải kéo dài thời gian bám biển từ 20 - 30 ngày để tiết kiệm nhiên liệu khi ra vào ngư trường.
Từ sau Tết Nguyên Đán, nhiều mặt hàng tiêu dùng tiếp tục neo ở mức cao. Xăng, dầu tăng giá mới, khiến giá hải sản cũng tăng theo.
Chị Ngọc Hồng bán hải sản trong chợ Phú Thủy cho biết, hầu hết các loại cá đều tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Giá mực lá trước đây chỉ khoảng 200.000 đồng/kg, nay tăng lên 250.000 - 300.000 đồng/kg. Giá ghẹ từ 300.000 - 350.000 đồng/kg tăng lên mức 400.000 - 450.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Ngọc Đãi, chủ tàu cá ở phường Mũi Né (TP.Phan Thiết) cho biết, việc tăng giá này là do "té nước theo mưa".
Giá bán tăng không tác động đáng kể đến thu nhập của ngư dân. Vì thực tết, sau mỗi chuyến vươn khơi, nhiều tàu vẫn thua lỗ hoặc thu lời không đáng kể.
Nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm vốn đã khiến hoạt động đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Giá xăng dầu tăng cao khiến tiền chia bạn thuyền không còn được bao nhiêu, lao động biển càng thêm bất mãn.
"Tôi cho tàu ra khơi 3 ngày nay, về nhà lỗ hết 40 triệu đồng, nên nghỉ ở nhà luôn", ông Đãi kể.
Ông Nguyễn Thái Quan ở phường Phước Hội (TX.La Gi) có 2 tàu đánh bắt cá xa bờ với tổng công suất 750 mã lực, đang chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo.
Do giá xăng dầu tăng cao nên chi phí cho chuyến biển lần này của ông lên đến gần 200 triệu đồng.
Ông Quan kể, nhờ được hưởng lợi từ Quyết định 48 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho ngư dân khai thác xa bờ, ông vẫn nỗ lực cho thuyền vươn khơi bám biển.
Theo Quyết định 48, một tàu có công suất từ 400 mã lực trở lên, mỗi năm được hỗ trợ tiền nguyên liệu và mua sắm thiết bị hỗ trợ khai thác là 300 triệu đồng.
"Đây là động lực giúp người dân tiếp tục vươn khơi trong lúc giá xăng dầu tăng cao", ông Quan nói.
Tuy nhiên, không phải tàu cá nào cũng được hưởng lợi từ chính sách này. Đến nay TX. La Gi có gần 2.000 tàu cá đăng ký khai thác đánh bắt hải sản trên biển.
Trong đó có gần 300 chiếc tàu đánh bắt cá xa bờ được hưởng lợi theo Quyết định 48 của Chính phủ.
Trong khi toàn tỉnh Bình Thuận có gần 11.000 tàu thuyền đánh bắt hải sản. Trong đó có hơn 1.500 tàu cá đủ điều kiện khai thác xa bờ.
Ông Nguyễn Ngọc Đãi là một trong những nông dân xuất sắc Việt Nam (năm 2017) với mô hình đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Hiện ông Đãi sở hữu tàu cá 250 mã lực nên không nằm trong diện được hỗ trợ theo Quyết định 48.
"Hầu hết ngư dân đang mong muốn có chính sách bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ vươn khơi bám biển, phục hồi kinh tế sau thời gian dài dịch bệnh", ông Đãi đề nghị.