Vừa cho con đi học được vài ngày, chưa kịp tận hưởng không khí "thảnh thơi", toàn tâm toàn ý cho công việc nơi công sở thì anh M.Q - phụ huynh học sinh lớp 4 tại trường tiểu học Phong Phú (TP.Thủ Đức) nhận được tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm yêu cầu đến trường đưa con về.
Theo thông báo của cô giáo, trong lớp có học sinh bị sốt, nghi nhiễm Covid-19. Để an toàn cho học sinh, tất cả phụ huynh đến trường đưa con về luôn và chờ thông báo của giáo viên.
Sau khi nhận tin từ cô giáo, anh Q ái ngại xin phép lãnh đạo để về đón con. Đến cổng trường, anh Q cho biết, hàng chục phụ huynh khác cũng đã đến chờ. Khuôn mặt ai cũng tỏ rõ sự lo lắng, có vài người gọi điện liên tục để nhờ người làm thế công việc đang dở dang.
"Suốt một năm qua, hai vợ chồng tôi đi làm chập chờn bữa được bữa mất. Vì có hai con nhỏ đều đang nghỉ dịch, chúng tôi phải thay phiên nhau xin làm việc tại nhà. May mắn là lãnh đạo thông cảm, tạo điều kiện. Nhưng cũng không ai tạo điều kiện mãi được.
Đợt này thấy cho các con đến trường đi học lại, con vui mừng một, tôi mừng tới 10. Cũng xác định sẵn tâm lý là F0 có thể xuất hiện nhưng không ngờ nhanh đến vậy. Giờ lại phải quay về kịch bản cũ. 14 ngày con học online ở nhà là 14 ngày vợ chồng thay phiên nhau xin làm việc ở nhà. Cứ thế này, chẳng biết bao giờ mới ổn định nổi", anh M.Q "méo mặt" nói.
Tương tự, anh P.L - có con đang học lớp 1 tại trường tiểu học Nguyễn Khuyến (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) cũng đau đầu tìm cách ứng phó khi con học online ở nhà 14 ngày vì trong lớp xuất hiện 2 ca F0.
Theo anh P.L, chủ nhật vừa qua (20/1), cô giáo thông báo trong nhóm phụ huynh lớp có bé mắc Covid-19 nên cả lớp sẽ lại ở nhà học online trong 2 tuần kể từ ngày 21/2. Nhận tin giáo viên gửi, vợ chồng anh P.L thở dài, chán nản.
"Thật sự tôi rất ám ảnh, không biết đến bao giờ mới hết khổ sở với việc học hành của các con. F0 xuất hiện liên tục, F1 buộc phải ở nhà học trực tuyến hai tuần. Giả sử, sau hai tuần các con đi học trở lại, F0 khác tiếp tục xuất hiện… vậy các con lại tiếp tục học online 2 tuần. Cái vòng luẩn quẩn này sẽ lặp đi lặp lại bao giờ mới kết thúc.
Suốt cả năm qua, bao nhiêu phụ huynh phải tất tả, chật vật để vừa lo làm ăn, vừa lo giữ con. Với quy định F1 buộc phải học online 2 tuần như hiện nay, phụ huynh chẳng thể ổn định công việc mà các con cũng chẳng thể tập trung học hành", anh P.L nói.
Trước khi tổ chức cho học sinh đồng loạt đến trường trở lại học tập trực tiếp, Sở GDĐT và Sở Y tế TP.HCM đã có những hướng dẫn sát sao trong việc xử lý trường hợp F0 xuất hiện trong trường học. Các cơ sở giáo dục cũng lên phương án kỹ càng, tập huấn và sẵn sàng đón học sinh đến trường.
Tuy nhiên, khi tổ chức thực tế, tình hình ca nhiễm tăng nhanh là điều khiến phụ huynh lo lắng, đứng ngồi không yên.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, phụ huynh P.T (quận Bình Thạnh) cho biết, anh có con hiện đang học lớp 8 tại trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Sau khi trở lại học tập trực tiếp được 2 tuần, lớp con anh học bắt đầu xuất hiện ca nhiễm Covid-19.
Theo anh T, ban đầu, giáo viên chủ nhiệm thông báo từ hôm nay (ngày 21/2) đến 27/2, lớp sẽ ngưng học bán trú để theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh. Sáng thứ hai đầu tuần, trường cũng không tổ chức chào cờ, học sinh lên sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm.
Đồng thời, đối với các học sinh tiếp xúc gần với ca F0 mà không đeo khẩu trang, giáo viên yêu cầu phụ huynh theo dõi nếu sức khỏe. Nếu không có vấn đề gì thì vẫn cho đi học trực tiếp tại lớp, ngược lại, học sinh học trực tuyến theo đường link của giáo viên bộ môn.
"Tuy nhiên, sau đó giáo viên lại thông báo, học sinh sẽ học online ở nhà theo thời khóa biểu để đảm bảo sức khỏe và tiện cho việc theo dõi sức khỏe cho các em ở nhà. Từ thứ 7 (19/2) lớp phát hiện 5 F0, đến hôm nay con số đã lên đến 13 F0. Phụ huynh chúng tôi rất lo lắng", anh P.T cho biết.
Tương tự, một phụ huynh có con học lớp 3 tại trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết, sau một tuần học tại trường thì các bé trở thành F0 tăng cao. Điều này khiến phụ huynh rất lo lắng, bất an vì các con đều chưa được chích vaccine Covid-19.
"Dù chuẩn bị trước tâm lý, sẵn sàng ứng phó khi tình huống con trở thành F1, thậm chí là F0 nhưng khi thực tế diễn ra thì tôi hơi bị hoang mang. Khi đi học trực tiếp, mức độ lây lan dịch sẽ nhanh và nhiều hơn. Trước tình hình này, tôi rất lo lắng trong những ngày tiếp theo.
Con thì rất háo hức đến trường nhưng nếu việc học cứ bị pha trộn giữa trực tuyến - trực tiếp như thế này cũng không phải là cách hay", vị phụ huynh này cho biết.
Thông tin tại cuộc họp báo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GDĐT TP.HCM cho biết, tính từ ngày 14/2, khi trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 trực tiếp đi học, tỷ lệ trẻ đến trường đã tăng dần. Tính đến ngày 17/2, tỷ lệ trẻ mầm non đến trường đạt 66,33%, tiểu học 95,99%, THCS 96,89%, THPT 98,93%.
Nhận định chung cho thấy, các trường tổ chức nhiều hoạt động đón trẻ, tương tác tốt với trẻ nên tránh được sự bỡ ngỡ khi trẻ lần đầu đến trường. Công tác phòng chống dịch được triển khai đúng kế hoạch, có sự hỗ trợ chặt chẽ của y tế địa phương nên xử lý kịp thời, đúng quy trình khi có F0.
Đáng chú ý, số ca F0 trong trường học có dấu hiệu tăng nhẹ mỗi ngày. Ngày 14/2, toàn thành phố có 27 F0 trong trường học. Ngày 15/2 có 50 F0. Ngày 16/2 có 86 F0, dự kiến số F0 sẽ tiếp tục tăng nhẹ.
Theo Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, đối với học sinh tiểu học là F0, F1, theo đúng quy định của Bộ Y tế vẫn phải cách ly 14 ngày. Đây là đối tượng chưa tiêm vaccine nên vẫn phải áp dụng chặt việc cách ly. Bên cạnh đó, Sở đặc biệt lưu ý và tầm soát kỹ đối tượng bảo mẫu tiếp xúc trực tiếp khi chăm sóc trẻ.