Sáng nay (21/2) tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2022 và trao giải thưởng cho các tác giả, tác phẩm và nghệ sĩ sân khấu xuất sắc năm 2021.
Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến lĩnh vực sân khấu phải đối diện với nhiều thử thách, khó khăn. Với nhiều nỗ lực, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động có hiệu quả như: Tổ chức thành công trại sáng tác Nha Trang và đi thực tế tại Ninh Thuận cho các tác giả cả nước tham gia; Tổ chức Cuộc thi online cho các tác phẩm nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tổ chức Lễ Kỷ niệm "100 năm Sân khấu Kịch Nói Việt Nam (1921 - 2021) tại Hà Nội; Xét và tặng giải thưởng nghệ thuật năm 2021; Tổ chức Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ XII... Hội đã phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VHTTDL tổ chức thành công các cuộc thi, liên hoan sân khấu Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2021, Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021... Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam còn kêu gọi anh chị em nghệ sĩ sân khấu chung tay quyên góp và ủng hộ các nhu yếu phẩm, vật tư phòng chống dịch cho Bắc Ninh, Bắc Giang trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh này.
Tại Hội nghị diễn ra sáng nay, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã trao 31 giải thưởng cho các nghệ sĩ, tác phẩm xuất sắc. Trong đó, Giải A Giải thưởng Vở diễn Sân khấu năm 2021 được trao cho các tác phẩm: Làng Song sinh (Tác giả nhà văn Xuân Đức, Đạo diễn NSND Trung Hiếu) của Nhà hát Kịch Hà Nội; Làm vua (Tác giả: Nguyễn Đăng Chương, Đạo diễn: NSND Hoài Huệ) của Nhà hát Tuồng Việt Nam; Truân chuyên dải yếm đào (Tác giả: Lê Chí Trung, Đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai) của Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Giải A kịch bản – sách nghiên cứu lý luận, phê bình được trao cho tác giả Chu Lai với Mưa đỏ, PGS.TS Đoàn Thị Tình với Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam.
Giải cá nhân nghệ sĩ xuất sắc năm 2021 được trao cho các nghệ sĩ : NSƯT Tạ Tuấn Minh vai diễn Trần Thủ Độ trong vở Thiên mệnh của Nhà hát Kịch Việt Nam; Thùy Dương vai Thỏn trong vở Làng song sinh của Nhà hát Kịch Hà Nội;
NSƯT Trần Hoàng Khanh vai Phan Văn Trị trong vở Tiếng gọi non sông của Nhà hát Tây Đô; Minh Hải vai Chử Đồng Tử trong Cây gậy thần của Nhà hát Cải lương Việt Nam; Vũ Mạnh Linh vai Đinh Tiên Hoàng trong Làm vua của Nhà hát Tuồng Việt Nam; Thế Quỳnh vai Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong Nguyễn Văn Cừ - Tuổi trẻ chí lớn của Nhà hát Chèo Quân đội; Nguyễn Phương Phú vai Nguyễn Mại trong Thanh gươm công lý của Đoàn Ca kịch Bài chòi Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định...
Phát biểu tại sự kiện, NSND Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đánh giáo cao kết quả và chất lượng của các tác phẩm tham dự Giải thưởng tác phẩm sân khấu năm 2021. Theo ông, nét mới đáng ghi nhận là với 49 kịch bản tham gia dự giải gồm đủ các thể loại như: kịch nói, tuồng, chèo, cải lương... đồng thời khai thác đề tài rất đa dạng các đề tài lịch sử, dã sử, hiện đại, chiến tranh và hậu chiến, phòng chống tham nhũng cuộc sống đời thường...
Đáng chú ý là mảng đề tài về những vấn đề thời sự, nóng của xã hội đã được các tác giả khai thác, phản ánh sinh động, đặc biệt ở thể loại mũi nhọn của sân khấu là kịch nói. Các tác giả đã có sự tìm tòi, giải mã các hiện tượng xã hội - lịch sử theo góc nhìn đa chiều, nhưng đều toát lên giá trị nhân văn. Nhìn chung các kịch bản sân khấu được sáng tác năm 2021 đã thể hiện tính chuyên nghiệp, đủ chất liệu để cho các đơn vị nghệ thuật dàn dựng.
Xác định năm 2022 khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dự kiến phối hợp với Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn và các địa phương, các đơn vị nghệ thuật sân khấu cả nước sẽ tổ chức trại sáng tác và tập huấn nghiệp vụ tại Tam Đảo (dự kiến tháng 5); Tập huấn cho các tác giả trẻ tại đồng bằng sông Cửu Long; Tập huấn cho Đạo diễn trẻ (tháng 12);
Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc tại Nghệ An (tháng 5); Tổ chức Liên hoan Chèo toàn quốc (tháng 9); Liên hoan Xiếc quốc tế tại Hà Nội (tháng 10); Liên hoan Cải lương toàn quốc tại TP.HCM (tháng 11); Cuộc thi tài năng Múa rối toàn quốc tại TP.HCM; Cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang (tháng 9); Liên hoan sân khấu về đề tài thiếu nhi (tháng 6); Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 5 tại Hà Nội (tháng 10); Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm (Tháng 11)...
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, từ năm 2022, Hội Nghệ sĩ Sân khấu sẽ chủ động, tích cực, sáng tạo và quyết tâm tạo ra những hoạt động có tính nghề nghiệp sâu rộng, xây dựng các công trình nghệ thuật vở diễn có chất lượng cao.
Hội sẽ xây dựng Đề án và các hội thảo hướng tới những giải pháp chiến lược cho ngành sân khấu như: Xây dựng đề án tổ chức Cuộc thi đàn giỏi hát hay Tuồng, Dân ca; Chèo; Cải lương toàn quốc năm 2023; Xây dựng đề án tổ chức Liên hoan sân khấu xã hội hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023; Xây dựng đề án về chiến lược phát triển khán giả cho sân khấu 2023-2030; Hội thảo khoa học về thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW của Đảng về quy hoạch và kiện toàn xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp;
Tọa đàm về Sân khấu quốc tế thể nghiệm; Hội thảo khoa học về chiến lược phát triển khán giả cho nghệ thuật sân khấu; Phối hợp với Hội nhà văn, Hội Mỹ thuật tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác sáng tác; Gặp gỡ trao đổi về công tác nghiên cứu lý luận phê bình nghệ thuật sân khấu của Lãnh đạo Hội, Hội đồng nghệ thuật với các nhà Nghiên cứu lý luận phê bình nghệ thuật sân khấu. Hội sẽ kỷ niệm "65 năm ngày thành lập Hội" (1957 - 2022) và Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ 13, tổ chức ngày hội sân khấu Việt Nam tại 3 điểm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.