Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), sau hơn 1 tháng thí điểm Mobile Money, số lượng khách hàng sử dụng Mobile Money đạt 588.000 người dùng trên cả nước.
Cũng theo Bộ TT&TT, nhà mạng Viettel triển khai Mobile Money sớm nhất từ đầu tháng 12/2022 và đến nay có 402.000 khách hàng. Trong khi đó, VNPT triển khai thí điểm từ đầu tháng 2/2022 và đã có 186.200 khách hàng sử dụng Mobile Money. Riêng nhà mạng Mobifone triển khai dịch vụ từ 22/1, nhưng hiện chưa có số liệu người dùng cũng như điểm chấp nhận thanh toán...
Theo Cục Viễn thông, kết thúc năm 2021, cả nước có hơn 122 triệu thuê bao đang hoạt động. Trong khi đó, con số 588.000 người dùng Mobile Money vẫn còn khá thấp (chưa tới 0,5%).
Được biết, Viettel, VNPT, Mobifone được triển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm (đến cuối năm 2023) với mục tiêu góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Đến hết tháng 1/2022, Viettel đã có hơn 84.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng tiền di động của nhà mạng này, thuộc các nhà cung ứng sản phẩm - dịch vụ, chợ dân sinh...
Điểm khác biệt của Mobile Money so với ví điện tử hiện nay là người dùng dịch vụ này không cần liên kết với tài khoản ngân hàng, không cần kết nối internet. Khách hàng chỉ cần có sim chính chủ sử dụng ít nhất trong 3 tháng liên tiếp là có thể sử dụng Mobile Money.
Theo chia sẻ của nhà mạng VNPT với phóng viên Dân Việt, Mobile Money là hình thức thanh toán còn khá mới ở Việt Nam nên bên cạnh những thuận lợi sẽ còn nhiều khó khăn.
Về thuận lợi, 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, nhưng các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt chỉ tập trung ở các đô thị lớn. Lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt các tháng đầu năm có tăng trưởng ấn tượng tại tất cả các kênh: Internet tăng 65,9%; điện thoại di động tăng 86,3%; QR code tăng 95,7%. Tuy nhiên dư địa thị trường cho Mobile Money còn nhiều khi 90% các giao dịch nhỏ dưới 100.000 đồng vẫn đang sử dụng tiền mặt.
Thuận lợi tiếp theo khi Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 – 2025 với các giải pháp đồng bộ để hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lâu dài tới đời sống kinh tế, xã hội, đòi hỏi phải có những biện pháp, phương thức tăng cường để sẵn sàng ứng phó và thích nghi lâu dài. Trong đó, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt để giúp đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh. Do đó, việc phổ cập Mobile Money càng trở thành nhu cầu cấp thiết hơn lúc nào hết.
Ở chiều ngược lại, khi triển khai Mobile Money còn nhiều khó khăn. Thứ nhất là địa bàn thành thị, khách hàng đã quen với những dịch vụ thanh toán số phổ biến như thẻ ngân hàng, ví điện tử, QR… Do đó, thị phần Mobile Money nhỏ và phải cạnh tranh nhiều hơn.
Trong khi đó, địa bàn nông thôn, dù thuận lợi khi dư địa thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn còn lớn, nhưng đây cũng chính là một khó khăn lớn khi tiếp cận địa bàn này. Nguyên nhân là bởi người dân chưa quen với việc sử dụng thanh toán điện tử. Vì vậy, các nhà mạng sẽ phải dành nhiều thời gian, công sức và chi phí để tạo lập thói quen cho người dùng.