Ông Trương Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT), nhận định - giá xăng dầu tăng chưa làm giá cả hàng hóa tăng ngay vì còn có độ trễ. Tuy nhiên, xăng dầu là chi phí đầu vào của các ngành sản xuất – kinh doanh nên việc đội chi phí là không tránh khỏi.
"Tại APT, giá xăng dầu sẽ làm tăng ngay chi phí vận chuyển nguyên liệu từ miền Tây lên nhà máy ở TP.HCM và chiều ngược lại vận chuyển thức ăn cho các ao nuôi cá. Giá xăng dầu tăng tạo thêm áp lực tăng chi phí đầu vào, khiến các doanh nghiệp sản xuất càng thêm khó khăn", ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hưng, lãnh đạo Sài Gòn Bay - doanh nghiệp chuyên về cung cấp các giải pháp vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển và đường hàng không tại Việt Nam - cũng cho hay, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng mạnh, có thể đầu tháng 3 tới giá vận chuyển đường hàng không sẽ tăng.
"Bình thường, cứ 15 ngày thì các hãng hàng không sẽ có đợt điều chỉnh giá mới. Tuy nhiên, do giá xăng dầu trong nước mới tăng từ ngày 21/2, nên các hãng hàng không cũng chưa có phản ứng. Tuy nhiên, tôi nghĩ đầu tháng 3 tới giá vận chuyển sẽ được điều chỉnh tăng", ông Hưng nói.
Cũng theo chia sẻ của ông Hưng, dự kiến giá vận chuyển quốc tế sẽ tăng khoảng 1-2%.
"Khi các hãng hàng không điều chỉnh tăng cước vận chuyển thì doanh nghiệp chúng tôi cũng phải điều chỉnh giá tăng theo. Ví dụ hiện nay 1kg hàng hóa gửi đi Mỹ khoảng 40 USD thì sắp tới có thể điều chỉnh lên 42 USD/kg, đại loại như vậy", ông Hưng chia sẻ thêm.
"Với mức tăng của giá xăng, mặt bằng giá cước vận tải mới sẽ được hình thành và tác động tiêu cực tới người dân, doanh nghiệp, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách sau đại dịch Covid-19…" - Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hành khách TP.HCM.
Hàng loạt doanh nghiệp khác tại TP.HCM cũng lo lắng, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, việc xoay trở để duy trì hoạt động là rất khó. Đặc biệt, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới thì sẽ không tránh khỏi việc các doanh nghiệp vận tải, logistics… phải thực hiện điều chỉnh giá cước phí để duy trì hoạt động kinh doanh, cũng như đảm bảo các cam kết về chất lượng dịch vụ kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp - Khu chế xuất TP.HCM, nhấn mạnh, chi phí xăng dầu chỉ chiếm khoảng 2-3% trong cơ cấu giá thành sản phẩm, nhưng giá nguyên liệu sản xuất chiếm 80% giá thành sản phẩm. Thế nên, theo hiệu ứng dây chuyền, việc tăng giá xăng có thể đẩy giá nguyên liệu nhập khẩu tăng theo.
"Hồi trước tết, giá nguyên vật liệu đã tăng 20-30%. Hiện nay giá xăng dầu tăng thêm, có thể trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng không nhiều, nhưng nếu xăng dầu vẫn neo ở mức cao thì có thể giá nguyên vật liệu sẽ tăng thêm vào thời gian tới", ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony, lo lắng.
Theo ông Quang Anh, hy vọng Chính phủ sớm có sự điều tiết giảm thuế, phí trong cơ cấu giá của xăng dầu để kéo giảm chi phí của doanh nghiệp.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TP.HCM, cho rằng giá xăng dầu hiện nay đã lên mức cao nhất trong vòng 7-8 năm qua, vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến ngành vận tải.
"Chi phí xăng dầu chiếm từ 25-40% trong cơ cấu giá cước vận tải. Do đó, thời gian tới, các doanh nghiệp vận tải buộc phải điều chỉnh giá cước tăng theo", ông Tính dự báo.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TP.HCM, đến thời điểm này, hoạt động vận tải hành khách vẫn chưa nhiều, chỉ mới đạt được công suất khoảng 20-25% so với bình thường do tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp.
Vì vậy, nếu doanh nghiệp tăng giá cước thì cũng sẽ tác động đến việc tăng công suất vận chuyển, dẫn đến khả năng bị thua lỗ.
Trước tình hình này, ông Tính đề xuất Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép sử dụng Quỹ bình ổn để giúp giá xăng dầu tăng ở mức vừa phải.
Ngoài ra, do thuế và phí trong một lít xăng dầu chiếm tỷ lệ cao, từ 40-60%, nên các bộ ngành cũng cần điều chỉnh lại sao cho hợp lý.
Về phía các doanh nghiệp, với tình huống giá xăng tăng như hiện nay, các doanh nghiệp một mặt phải giảm công suất sản xuất, mặt khác phải đàm phán lại các doanh nghiệp đối tác.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một số doanh nghiệp, để giảm thiểu khó khăn mà doanh nghiệp đang phải "gánh", Chính phủ cần có sự điều tiết giảm thuế, phí trong cơ cấu giá của xăng dầu. Mặt khác, tăng nguồn dự trữ xăng dầu để ổn định giá bán cũng như tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung.
"Mới đây, tôi đi xe từ Bình Phước xuống Sài Gòn, nhưng ở địa bàn Bình Phước chạy qua 3-4 cây xăng đều thấy đóng cửa. Thậm chí lúc đó tôi lo không đủ dầu để chạy về tới TP. Cũng may sau đó thì đổ được dầu để chạy. Tôi không lo giá xăng dầu tăng, mà lo đứt gãy nguồn cung. Khi đó nguyên vật liệu cấp 1 tăng, rồi đến cấp 2 tăng, cấp 3 tăng… cuối cùng là nguyên vật liệu đầu vào đồng loạt tăng giá, kéo theo nguy cơ đứt gãy sản xuất", ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony chia sẻ.
"Hiện giá dịch vụ logistics đã tăng 5.000-10.000 USD/container đi thị trường châu Âu hoặc Hoa Kỳ, gấp 4-10 lần so với năm 2020. Đã vậy, nhiều doanh nghiệp còn bị các hãng tàu thường xuyên hoãn thời gian vận chuyển từ 10-30 ngày mà không có lý do.
Hệ quả là doanh nghiệp phải trả thêm chi phí, bồi thường cho đối tác vì giao hàng trễ thời hạn. Doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy hải sản lo ngại hơn bởi nguy cơ hư hỏng, giảm chất lượng sản phẩm… Nếu giá logistic tiếp tục tăng theo áp lực của giá xăng dầu, sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết.