Quay cuồng, nói nhiều gấp mấy lần
Sau một ngày, cô P.T.M. (giáo viên tiếng Anh) của trường THPT Nguyễn Đức Thuận, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định mới có chút thời gian nghỉ ngơi. Cô M. cho biết, trường của cô vừa quay trở lại với hình thức dạy học trực tiếp sau thời gian dài của học kỳ 1 chỉ học trực tuyến. Tuy nhiên, vì có nhiều học sinh là F0, F1 đang được cách ly ở nhà nên trường kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến.
Thừa nhận dịch bệnh buộc các thầy cô phải thích nghi, linh hoạt hình thức học, song nữ giáo viên trẻ tâm sự, việc dạy học kết hợp khiến cô quay cuồng và khá mệt mỏi: "Tôi thấy hình thức học này chỉ là giải pháp tạm thời và chưa thực sự mang lại hiệu quả đối với học sinh ở khu vực nông thôn như nơi tôi đang dạy.
Đối với giáo viên, việc kết hợp dạy và học trực tuyến cũng có điểm tích cực là giáo viên thành thạo công nghệ thông tin hơn, linh hoạt và chủ động hơn trong việc áp dụng các ứng dụng dạy học (như việc thiết kế những bài giảng Elearning, sử dụng được nhiều phần mềm dạy học mang lại hứng thú cho học sinh (như Quizziz, Kahoot…) cũng như có nhiều "chiêu trò" để kiểm soát sự tham gia vào các giờ học của học sinh.
Tuy nhiên, dạy song song cả hai hình thức mệt hơn bình thường rất nhiều, nói nhiều gấp mấy lần. Soạn bài phải thiên về hướng tương tác, đưa nó lên thành bài giảng trực tuyến, mất thời gian áp dụng nhiều thứ…".
"Đối với môn tiếng Anh, tôi thấy còn đỡ, chứ các giáo viên dạy Văn họ khổ hơn. Các cô "mờ mắt" nhận bài của học sinh, có khi chấm bài qua cả ảnh chụp…", cô M. nói với Dân Việt.
Giáo viên mất nhiều thời gian để soạn bài, lồng ghép nhiều yếu tố để làm bài dạy online nhằm mang lại hiệu quả và hứng thú do mức độ tập trung khi học online của học sinh ít hơn học trực tiếp. Việc làm quen với các ứng dụng công nghệ mất nhiều thời gian, mạng internet thường xuyên gián đoạn… Đó là những khó khăn không chỉ của cô M. và nhiều giáo viên đang dạy học song song hai hình thức gặp phải.
Thầy Hoàng Anh, giáo viên một trường THCS ở Hà Nội cho biết, sau khi học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 2, đến thời điểm này có nhiều học sinh mắc Covid-19. Những ngày qua, lớp thầy dạy chỉ còn vài học sinh vì các em lần lượt là F1 rồi thành F0.
"Nói chung dạy học thời dịch phải xoay xở liên tục. Chưa đặt viên phấn xuống để chuẩn bị cho tiết dạy tiếp theo được thì học sinh học trực tuyến hỏi lại, phải giảng lại khiến thời gian tiết học bị kéo dài hơn. Tôi cũng gặp tình huống đang dạy trực tiếp bỗng có điện thoại của học sinh học trực tuyến xin mật khẩu vào lại Zoom vì… quên", thầy Hoàng Anh bày tỏ.
Học sinh… dễ nản
Phạm Hoài Nam, học sinh lớp 10 một trường THPT ở Hà Nội kể, lớp của em có gần 40 học sinh nhưng tuần này chỉ còn hơn chục bạn học trực tiếp. Các bạn còn lại đang cách ly. Đang là F1, bố mẹ xin cho Nam học online do lo ngại dịch bệnh, và tiện theo dõi sức khỏe con.
Tuy nhiên, Nam cho hay, em học qua máy tính rất dễ nản vì tốc độ giảng bài của thầy cô khá nhanh, mạng hay chập chờn, hình ảnh qua camera thì không rõ nét.
"Các phần nào không hiểu em phải hỏi lại cô, nhưng chất lượng đường truyền internet kém, lại học gián tiếp qua điện thoại liên tục khiến việc tiếp thu bài học cũng chậm lại", Nam nói.
Thảo Linh, học sinh lớp 12 Pháp, trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, tỉnh Ninh Bình chia sẻ với Dân Việt, hiện tại trường đang áp dụng hình thức học online, tuy nhiên sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, nữ sinh đã đi học được một ngày rồi nghỉ học trực tiếp do thời gian gần đây dịch bệnh căng thẳng.
Thảo Linh đang dốc sức để ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới và nguyện vọng vào trường Y. Song, việc thay đổi hình thức học khiến nữ sinh có phần lo lắng và hơi… nản.
"Nếu học trực tiếp em sợ mắc bệnh nhưng học online em cảm thấy dễ chán vì không có tâm trạng để học, tiếp thu kiến thức được tốt, lại hay phải "dính" lấy laptop hay điện thoại", Thảo Linh chia sẻ.
Chị Đỗ Lan Hương, một phụ huynh có con đang học THCS tại quận Đống Đa, Hà Nội, khá hoài nghi về hiệu quả của việc dạy vừa trực tiếp, vừa trực tuyến: "Tôi cho rằng các thầy cô dạy hình thức song song rất vất vả, mà các bạn đang cách ly học trực tuyến chưa chắc đã tiếp thu được hết kiến thức thầy cô giảng ở lớp".
Chị Hương cùng nhiều phụ huynh khác đề xuất, các trường có thể phân công dạy một cách hợp lý để đảm bảo dù học sinh ngồi nhà hay ở lớp đều có khả năng học tốt. "Ví dụ, các trường có thể phân rõ giáo viên nào dạy online tiết nào, còn lại giáo viên dạy offline là ai, tiết nào. Như thế sẽ dễ hơn và hiệu quả hơn, đỡ mất nhiều công các thầy cô", chị Hương kiến nghị.
Theo thống kê từ Bộ GDĐT, tính đến 17h ngày 22/2, cả nước có 78,86% học sinh đi học trực tiếp.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường khi tổ chức dạy, học trực tiếp, Bộ Y tế đã xây dựng, bổ sung một số nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.
Theo đó, các cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở …) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.
Về việc tổ chức học bán trú của học sinh, Bộ Y tế nêu rõ: Nếu tổ chức cho trẻ học bán trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành GDĐT, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp…; học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước, sau khi ăn. Các cơ sở giáo dục thực hiện vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn…