Dân Việt

Cứu kịp thời cô gái 23 tuổi bị dị dạng mạch máu tủy sống

Bạch Dương 25/02/2022 16:00 GMT+7
Dị dạng mạch máu tủy sống là loại bệnh bẩm sinh, bệnh có thể tiến triển âm thầm, không biểu hiện triệu chứng, nhưng có thể dẫn đến liệt đột ngột khi khối dị dạng vỡ gây xuất huyết tủy, phù tủy.
Cứu kịp thời cô gái 23 tuổi bị dị dạng mạch máu tuỷ sống - Ảnh 1.

Bệnh nhân đã đi lại được sau khi can thiệp mạch máu. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa điều trị cho người bệnh nữ 23 tuổi mắc bệnh lý hiếm gặp này. Chị T.T.T.S (23 tuổi, ngụ tại Hóc Môn) nhập cấp cứu trong tình trạng đột ngột yếu 2 chân kèm đau lưng nhiều. Nhận thấy tình trạng khẩn cấp của người bệnh, ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ nhanh chóng thăm khám và chụp MRI cột sống ngực, phát hiện dị dạng mạch máu tủy vỡ gây xuất huyết tủy, phù tủy.

Chị S cho biết, 5 năm trước, thỉnh thoảng chị bị đau và tê sống lưng, chỉ ngồi một chỗ không đi lại được. Hôm nhập viện cấp cứu, chị đột nhiên đau lưng và yếu chân rồi té ngã khi đang đứng tập thể dục. Lúc đầu chị nghĩ đứng lâu nên và yếu chân, vào viện chị mới biết bị dị dạng mạch máu tủy.

Bác sĩ Phạm Định Chương - khoa Nội Thần Kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết: "Đây là một bệnh lý hiếm gặp và khó khăn trong vấn đề điều trị. Đặc biệt, người bệnh có nguy cơ liệt hai chi dưới kèm rối loạn cơ tròn (rối loạn tiêu tiểu) nếu tắc động mạch lành nuôi tủy. Do đó, vấn đề điều trị đặt ra nhiều thử thách cho ê kíp can thiệp. 

Khi tiếp nhận bệnh, chúng tôi tiến hành hội chẩn và xem xét phương án điều trị bệnh. Chiến lược là loại bỏ được khối dị dạng nhưng phải bảo tồn các động mạch nuôi tủy".

Người bệnh được điều trị bằng kỹ thuật đưa ống thông siêu nhỏ để tiếp cận ổ dị dạng và bơm keo sinh học để tắc ổ dị dạng. Sau khoảng 3 tiếng can thiệp, dù khó khăn trong việc tiếp cận ổ dị dạng do động mạch nuôi rất nhỏ, gập góc, ngoằn nghèo, ê kíp cũng đã loại bỏ được khối dị dạng, bảo tồn được các chức năng thần kinh, đặc biệt là chức năng vận động. Người bệnh không xuất hiện các triệu chứng thần kinh mới.

Sau khi can thiệp, chị S. có thể tự đứng và đi lại nhẹ nhàng được. Sau 5 ngày điều trị, người bệnh được xuất viện và tiếp tục tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng tại nhà.

Dị dạng mạch máu tủy là một hiện tượng bất thường bẩm sinh của mạch máu tuỷ, khi động mạch được nối trực tiếp với tĩnh mạch thông qua ổ dị dạng (nidus) mà không qua mạng lưới mao mạch thông thường, dẫn đến nguy cơ vỡ dị dạng gây xuất huyết tủy, phù tủy do tăng áp lực tĩnh mạch. Cả hai biến chứng này sẽ dẫn đến yếu liệt hai chi dưới, rối loạn cơ tròn, nhiều trường hợp tàn phế phải nằm liệt giường.

BS Chương khuyến cáo, bệnh thường gặp ở đối tượng trẻ tuổi và có thể âm thầm tiến triển, không biểu hiện triệu chứng trong một thời gian dài cho đến khi khối dị dạng vỡ gây xuất huyết tủy, phù tủy. 

Tuy bệnh không thể phòng ngừa, nhưng việc phát hiện và điều trị sớm đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, khi có các biểu hiện như đau vùng cột sống đột ngột mà không liên quan tới chấn thương, kèm tê yếu các chi, người bệnh cần sớm nhập viện để các bác sĩ thăm khám tìm nguyên nhân điều trị sớm tránh các di chứng về sau.