Dân Việt

Chuyển động Nhà nông 25/2: Cơ hội cho gia vị và hương liệu Việt Nam sang Ấn Độ

THDV 25/02/2022 16:05 GMT+7
Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu gia vị và hương liệu của thế giới đang có xu hướng tăng lên trong khi một số nguồn cung giảm do những bất cập gây ra từ đại dịch Covid-19. Đây là tín hiệu tốt cho các mặt hàng gia vị của Việt Nam.

Chuyển động Nhà nông 25/2.

 Cơ hội cho gia vị và hương liệu Việt Nam sang Ấn Độ

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu gia vị và hương liệu của thế giới đang có xu hướng tăng lên trong khi một số nguồn cung giảm lượng xuất khẩu do những bất cập gây ra từ đại dịch Covid-19. Đây là tín hiệu tốt cho các mặt hàng gia vị của Việt Nam và Ấn Độ. Thông tin này được ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tại Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm gia vị và hương liệu Việt Nam - Ấn Độ ngày 23/2 vừa qua. Trong số các loại gia vị của Việt Nam, hạt tiêu đã rất nổi tiếng và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Đến nay, hạt tiêu Việt Nam đã có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm đến 60% hạt tiêu xuất khẩu trên thế giới. Hạt tiêu và nhiều loại gia vị khác của Việt Nam như quế, hồi... được người tiêu dùng Ấn Độ rất ưa chuộng sử dụng. Một số doanh nghiệp Việt Nam ngày nay đang phát triển thêm những sản phẩm gia vị phối trộn kết hợp từ nhiều loại gia vị khác nhau để cho ra những loại gia vị mới với hương vị đặc trưng, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người Ấn Độ.

Tin vui cho gạo xuất khẩu

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo tháng 1 vừa qua đạt trên 505.000 tấn, với trị giá đạt trên 246 triệu USD.So với cùng kỳ năm 2021, kết quả xuất khẩu gạo tháng đầu năm nay tăng đến hơn 45% về lượng và gần 30% về giá trị.

Gạo xuất khẩu tăng cả về số lượng lẫn giá trị, do Trung Quốc mở cửa khẩu trở lại. Bên cạnh đó, các thị trường tiêu thụ gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Mỹ, châu Phi, Hàn Quốc..., nhu cầu nhập khẩu bắt đầu cao.

Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) khiến hạt gạo Việt Nam đứng trước cơ hội lớn. Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo nhiều khả năng tăng từ tháng 3/2022, khi vụ Đông Xuân cho thu hoạch rộ.

Kiến nghị Hoa Kỳ không áp thuế ngành ong xuất khẩu của Việt Nam

Ngày 23/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc làm việc với ông John F. Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu để trao đổi về các vấn đề kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước.

Trong không khí thẳng thắn, xây dựng và tích cực của cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đang triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại bất hợp lý đối với ngành ong Việt Nam với mức thuế dự kiến lên tới 412%, một mức thuế cao hơn gấp nhiều lần so với nước khác.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry có những trao đổi cần thiết với DOC để tiến hành các cuộc điều tra phòng vệ thương mại một cách công bằng và minh bạch, xem xét cẩn trọng mọi vấn đề để hai bên có khép lại vụ việc trên một cách thuận lợi và không áp thuế lên ngành ong xuất khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu cá ngừ tăng mạnh nhất hai năm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá ngừ tháng 1 đạt gần 88 triệu USD, tăng 108% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 8 thị trường chính của cá ngừ Việt Nam, trừ Trung Quốc, còn lại (Mỹ, EU, CPTPP, Nga, Saudi Arabia, Israel, Ai Cập) đều đồng loạt tăng. Hiện cả nước có 72 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá ngừ. Dự báo, năm 2022, ngành cá ngừ tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, như hoạt động giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển đường biển chưa có xu hướng giảm. Quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia thay đổi cũng như có nhiều cảnh báo về an toàn thực phẩm hơn...