Tại lễ kỷ niệm 190 năm thành lập, 25 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lãng hoa chúc mừng.
Tham dự lễ kỷ niệm về phía Trung ương có: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Về phía tỉnh Bắc Ninh có: Bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Ông Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bà Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh qua các thời kỳ; các lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.
"Bờ xôi, ruộng mật" thành nhà máy, nông thôn sầm uất như phố
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan đánh giá, Bắc Ninh - Kinh Bắc từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng; nơi gắn với truyền thuyết Thuỷ tổ Kinh Dương Vương; nơi phát tích Vương triều Lý - triều đại khai mở và xây dựng nền văn minh Đại Việt.
Năm 1831, Bắc Ninh là một trong 18 tỉnh được vua Minh Mạng thành lập đầu tiên ở Bắc Kỳ. Sau nhiều lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính giữa các địa phương, đến năm 1962, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc.
Ngày 6/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Quyết định phê chuẩn việc tái lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Thị xã Bắc Ninh trở thành thị xã tỉnh lỵ. Tỉnh Bắc Ninh có diện tích là 822,7km2 gồm 5 huyện và 1 thị xã, với 123 xã, phường, thị trấn.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết, ở thời điểm mới tái lập, Bắc Ninh gặp rất nhiều khó khăn, diện tích nhỏ nhất cả nước, điểm xuất phát thấp, kinh tế chậm phát triển; thu ngân sách nhà nước thấp (chỉ đạt 198 tỷ đồng, ngân sách Trung ương phải hỗ trợ); nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế; sản xuất công nghiệp, thương nghiệp nhỏ lẻ; hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, xuống cấp.
"Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Bắc Ninh lâm thời đã đề ra 10 nhiệm vụ cấp bách có ý nghĩa lịch sử trong những ngày đầu tái lập tỉnh. Những định hướng và kết quả khởi đầu chính là nền móng vững chắc, tạo tiền đề cho các giai đoạn tiếp theo kế thừa, tiếp nối và phát triển" - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh thông tin.
Sau 25 tái lập tỉnh (1997-2022), Bắc Ninh đã bứt phá ngoạn mục từ tỉnh nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng khó khăn trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao. Dù là địa phương có diện tích nhỏ nhất nước với hơn 820km2, nhưng tỉnh Bắc Ninh đang đứng đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, ước đạt 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2021.
Từ một tỉnh thuần nông, với nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, nhờ định hướng đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp với nhiều cơ chế, chính sách được vận dụng linh hoạt đã góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế.
Năm 1997, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn nhất (45%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 23,8%; khu vực dịch vụ chiếm 31,2%. Đến năm 2021, tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 77,3%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,7%, khu vực dịch vụ 16,1%, thuế sản phẩm 3,9%.
Về Bắc Ninh, ai nấy đều tỏ ra bất ngờ và ngỡ ngàng trước xu hướng công nghiệp và đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh. Những cánh đồng "bờ xôi, ruộng mật" đã nhanh chóng biến thành các khu, cụm công nghiệp hay các khu dân cư, đô thị với hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Đến hết năm 2021, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung được phê duyệt, có 10 khu đã đi vào hoạt động; thành lập 31 cụm công nghiệp, 21 cụm đã đi vào hoạt động. Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút được các nhà đầu tư từ các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đóng góp lớn cho sự phát triển chung của tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có trên 1.700 dự án FDI còn hiệu lực từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ được cấp phép với tổng vốn đầu tư 21,2 tỷ USD, chiếm 5,21%, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố về số vốn đăng ký. Cùng với đó là 1.491 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tong vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt hơn 216.000 tỷ đồng được các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn...
Sự phát triển bứt phá nhanh về công nghiệp - xây dựng đã tạo đà cho quá trình đô thị hóa gắn với phát triển nông thôn mới ở Bắc Ninh "cất cánh" nhanh chóng. Với trên 400.000 công nhân, lao động đến từ 21 tỉnh, thành phố đã giúp cho những làng quê, xã thuần nông ở Bắc Ninh nhanh chóng "thay da, đồi thịt", nhịp sống sầm uất, đông đúc như ở phố.
Bắc Ninh có 2 thành phố là: Bắc Ninh và Từ Sơn hiện không còn... xã trực thuộc như các vùng ngoại thành, ngoại thị khác. Tỷ lệ đô thị hóa từ 9% năm 1997 tăng lên 38% năm 2021. Bắc Ninh là 1 trong 14 tỉnh được công nhận tỉnh nông thôn mới.
Phấn đấu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Mặc dù đã đạt được những kết quả hết sức to lớn, song với yêu cầu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững thì nhiệm vụ xây dựng quê hương Bắc Ninh trong thời gian tới còn hết sức nặng nề. Trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, chung sức, với quyết tâm chính trị cao xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
"Trước mắt là, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại" - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Dự và phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi về chặng đường lịch sử phát triển của tỉnh Bắc Ninh với những thành tựu to lớn đạt được cũng như việc hoạch định phương hướng, mục tiêu và những nhiệm vụ chiến lược, lâu dài cho tương lai.
"Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Công nghiệp trở thành đầu tàu tăng trưởng, đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị. Diện mạo nông thôn Bắc Ninh ngày thêm khởi sắc, xứng danh là tỉnh nông thôn mới" - Đại tướng Tô Lâm khẳng định.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bắc Ninh đã nhiều giải pháp phù hợp, tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, trở thành điểm sáng toàn quốc. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Đại tướng Tô Lâm cho rằng, kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh ôn lại chặng đường vẻ vang, những thành tích, chiến công to lớn đã đạt được, đồng thời trao truyền, tiếp nối truyền thống, niềm tự hào đó, biến nó thành sức mạnh, hành động.
"Phấn đấu xây dựng Bắc Ninh đến năm 2030 thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của Thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; đến năm 2045 Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh" - Đại tướng gợi ý.
Để đạt được mục tiêu đó, Đại tướng Tô Lâm đề nghị tỉnh Bắc Ninh bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, phải tiếp tục phát huy tối đa, mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng, lợi thế, nhất là sức mạnh nội lực của Bắc Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, gia tăng giá trị và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Phát triển các ngành công nghiệp điện tử, chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường chuỗi liên kết, nâng cao giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; xây dựng mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, tuần hoàn...
Sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số theo định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Tập trung xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhân dịp này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Bắc Ninh đứng đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp
Năm 2021, Bắc Ninh tiếp tục là tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước, ước đạt 1,5 triệu tỷ đồng (giá so sánh 2010), gấp hơn 1.000 lần năm 1997. Xuất khẩu có bước đột phá, năm 2021 đạt 44,9 tỷ USD, chiếm 13,5% cả nước, đứng thứ 2 cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn đã tăng lên 227,6 nghìn tỷ đồng, gấp trên 54 lần năm 1997, chiếm 2,71% GDP cả nước. Bắc Ninh trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt 13,9%/năm.
Đặc biệt, Bắc Ninh là tỉnh tự cân đối thu - chi ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương, đứng thứ 8 toàn quốc. Tổng thu ngân sách giai đoạn 1997-2021 tăng bình quân 23,7%/năm; năm 2021 đạt 33.260 tỷ đồng, gấp 168 lần năm 1997.