Dân Việt

Chiến tranh giữa Nga - Ukraine ảnh hưởng thế nào đến ngành công nghiệp ô tô?

Huỳnh Dũng 26/02/2022 08:44 GMT+7
Tình trạng thiếu hụt trong ngành ô tô toàn cầu sẽ trở nên tồi tệ hơn, với những đợt tăng giá chắc chắn sẽ theo sau trong thời gian tới, nếu tình hình Nga-Ukraine không được cải thiện theo hướng tích cực.

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine trong tuần này đã khiến thị trường châu Âu và toàn cầu trở nên điên cuồng, khi các nhà sản xuất ô tô tăng tốc làm việc để xác định mức độ ảnh hưởng của cuộc chiến, và họ khẳng định, bất kỳ biện pháp trừng phạt kinh tế nào đối với Nga từ các nước, liên minh, khu vực cũng sẽ làm ảnh hưởng đến dây chuyền cung ứng, sản xuất và lực lượng lao động của các thương hiệu ô tô. Họ khẳng định nguy hiểm đang kề cận và có nguy cơ chịu tác động trực tiếp. Và cũng không ngoại lệ, sự hiện diện sản xuất ồ ạt của Hyundai và Kia tại Nga đang khiến các tập đoàn Hàn Quốc này phải đau đầu.

Trước mắt, nhiều nhà sản xuất ô tô toàn cầu được cho là đã ngừng vận chuyển các đơn đặt hàng của các đại lý địa phương cho các đối tác Nga, kể từ ngày 24 tháng 2, khi Nga tiến hành xâm lược, theo các bức thư nội bộ gửi từ các nhà sản xuất ô tô và được tờ báo kinh doanh tiếng Nga Vedomosti dẫn tin. Các đại lý của Audi và Chevrolet tại Nga cho biết đã nhận được thông báo này, và Vedomosti, VW, Skoda cũng đang chuẩn bị ra các thông báo có nội dung tương tự của riêng họ. Tập đoàn Tata của Porsche và Land Rover cũng đã tạm dừng các chuyến hàng kể từ ngày Nga xâm lược vào Ukraine.

Chiến dịch "quân sự đặc biệt" mà Nga đang thực hiện tại Đông Ukraine đã khiến nhiều nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga và việc này có thể gây thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: @AFP.

Chiến dịch "quân sự đặc biệt" mà Nga đang thực hiện tại Đông Ukraine đã khiến nhiều nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga và việc này có thể gây thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: @AFP.

Phía Audi thông báo rõ, động thái nhanh chóng tạm dừng các chuyến hàng đến Nga của hầu hết các nhà sản xuất ô tô có thể là biện pháp phòng ngừa an toàn nhất, và điều này được cho là liên quan nhiều hơn đến việc thiết lập các phương án hậu cần mới thích ứng với môi trường hiện đang có chiến tranh bạo lực vũ trang bất ổn, và trong môi trường đang dần chịu các lệnh trừng phạt toàn cầu mới chống lại Nga. Các công ty khẳng định, việc đóng băng lô hàng có thể là một sự trì hoãn vô thời hạn cho đến khi mọi người bình tĩnh lại, mọi thứ được giải quyết ổn thỏa.

Nếu bạn đang tự hỏi liệu các lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ và các đồng minh chống lại Nga có làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chất bán dẫn đang diễn ra hay không, câu trả lời là tất nhiên. Mặc dù không có chất bán dẫn hoặc nguyên liệu thô nào được sử dụng để xuất khẩu sang Nga, nhưng với tình hình hiện tại không được cải thiện thì phần lớn nguyên liệu thô đến từ Ukraine, nước này cũng có thể sẽ không xuất khẩu chúng trong một thời gian ra bên ngoài.

Hyundai + Kia tại Nga

Tập đoàn Hyundai cùng công ty con Kia lần đầu tiên thành lập một nhà máy ở St.Petersburg, Nga vào năm 2010 và gần đây đã mua một cơ sở cũ của General Motors tại Nga để cải tạo sản xuất dòng xe Hyundai Tucson, Palisade và Kia Sportage để xuất khẩu sang Bắc Mỹ và phần còn lại của châu Âu trong năm nay. Nhìn chung, các nhà sản xuất ô tô kết hợp hiện đang sản xuất hơn 230.000 ô tô mỗi năm tại Nga.

Đó chỉ là những gì họ xây dựng ở đó, riêng Tập đoàn Hyundai đã bán được 373.132 xe tại thị trường Nga vào năm 2021, Hyundai chiếm 10,3% và Kia chiếm 12,3% tổng thị phần xe hơi của Nga. Thế nên, chiến tranh bùng nổ và sự tấn công của các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính chống lại Nga hiện khiến toàn bộ hoạt động kinh doanh toàn cầu của Hyundai và Kia rơi vào tình trạng nguy hiểm, và cũng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc gia Hàn Quốc. Tờ Korea Times cho biết: "các tập đoàn Hàn Quốc" đã bán số ô tô trị giá 2,5 tỷ USD cho Nga vào năm 2021, cộng với các bộ phận và linh kiện ô tô trị giá thêm 1,45 tỷ USD".

Ô tô và các bộ phận của chúng trước đây chiếm 44% sản lượng xuất khẩu hàng năm của Hàn Quốc sang Nga, giờ đây nó có thể sẽ bị cản trở nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm cắt giảm thương mại và gây bất lợi cho nền kinh tế Nga.

Các hãng ô tô ngừng sản xuất sau cuộc xâm lược của Nga. Ảnh: @AFP.

Các hãng ô tô ngừng sản xuất sau cuộc xâm lược của Nga. Ảnh: @AFP.

Hyundai + Kia ở Ukraine

Hyundai cũng điều hành một văn phòng kinh doanh địa phương ở Kyiv, Ukraine và Kia sản xuất Rio sedan và hatchback tại nhà máy ZAZ ở Zaporozhye, Ukraine. Ngày 28/1/2022, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ban bố tình trạng khẩn cấp trong khu vực và thiết lập kế hoạch sơ tán công dân nước mình ra khỏi Ukraine, tờ Korea Times đưa tin.

Hankook Tires, một công ty khác của Hàn Quốc đã sơ tán văn phòng kinh doanh tại nước này. Một quan chức của Hyundai cho biết, công ty đã "đang theo dõi chặt chẽ tình hình vì cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine được cho là sẽ gây ra suy thoái kinh tế", trong một tuyên bố với Korea Herald.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất pin EV toàn cầu, vì quốc gia này là nhà sản xuất niken và nhôm lớn thứ ba thế giới, hai nguồn tài nguyên có giá trị cao cần thiết trong pin và linh kiện xe EV. Ngoài ra, Ukraine sản xuất gần 70% lượng khí neon trên thế giới cần thiết cho các thành phần như chip, vốn đang bị thiếu hụt khiến giá giao dịch xe mới trung bình ở Mỹ lên một tầm cao mới khó tin. Sau cuộc khủng hoảng này, nó có thể sẽ tăng giá cao hơn nữa trong năm nay.

Ukraine cũng là nhà cung cấp khí hiếm quan trọng trên toàn cầu được sử dụng trong tất cả các loại thiết bị và linh kiện công nghệ cao, và chiến tranh sẽ cản trở nghiêm trọng đến nguồn cung đó và có thể khiến giá tăng. Điều này cũng sẽ có tác động cụ thể đến nền kinh tế Hàn Quốc, khi quốc gia này nhập khẩu 30,7% krypton, 23% đèn neon và 17,8% khí hiếm xenon để sản xuất linh kiện từ Ukraine, theo Korea Herald. Nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Hàn Quốc SangYong cũng nhập khẩu các nguyên liệu thô như nhôm từ khu vực này.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc lo ngại tới 29% doanh số bán hàng của tập các đoàn có thể giảm trong năm nay, dự đoán tác động tương tự như khi họ chứng kiến sự sụt giảm 62% trong xuất khẩu ô tô, sau khi Nga xâm nhập Crimea vào năm 2014, điều này cũng dẫn đến các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Nga.

Các biện pháp trừng phạt mới đối với nga

Trước hành động xâm lược Ukraine của Nga, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sẽ ngay lập tức nhắm vào cơ sở hạ tầng cốt lõi của các tổ chức tài chính và kinh tế Nga. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào các ngân hàng như Sberbank được nhà nước hậu thuẫn, Ngân hàng VTB, Otkritie, Sovcombank và Novikombank. Làn sóng trừng phạt đầu tiên này từ Mỹ và các đồng minh, được công bố vào ngày 24/2, không nhắm mục tiêu cụ thể vào lĩnh vực ô tô của Nga hay bất kỳ doanh nghiệp nào liên quan trực tiếp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp kinh tế lớn liên quan đến ô tô đã bị nhắm mục tiêu, bao gồm công ty vận tải biển Sovcomflot của Nga và Đường sắt Nga, cũng như phần lớn lĩnh vực năng lượng của Nga.

Nga hiện là nhà cung cấp niken lớn thứ ba trên thế giới và cung cấp 40% nguồn paladi toàn cầu được sử dụng để sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác, theo NBC. Đổi lại, Nga cũng phụ thuộc vào các đường cung cấp nước ngoài với 25% sản lượng ô tô trong nước, vốn có thể bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt mới. Tập đoàn Gaz của Nga đã thông báo rằng họ sẽ phải ngừng sản xuất vì các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với Nga.

Renault, Toyota tại Nga cũng gặp rắc rối

Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu lớn khác, bao gồm Renault và các thương hiệu liên kết của họ, Stellantis và các chi nhánh, hay Toyota cũng có sự hiện diện sản xuất đáng kể trong khu vực. Renault đã thông báo rằng hoạt động sản xuất ở Moscow, Nga, cùng các cơ sở sẽ phải ngừng từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 5 tháng 3, với lý do "kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn ở các quốc gia quá cảnh và buộc phải thay đổi một số tuyến đường hậu cần đã thiết lập", theo Reuters đưa tin.

Tập đoàn Renault tạo ra 8% thu nhập cốt lõi của mình tại Nga, thị trường lớn thứ hai của nhà sản xuất ô tô này sau quê hương Pháp. Nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nga, AvtoVAZ cũng thuộc sở hữu của Renault. Toyota đã sản xuất dòng Camry ở Nga trong nhiều thập kỷ qua và có một nhà máy ở Shushary, Nga để sản xuất nội địa hóa. Cho đến nay vẫn chưa rõ hoạt động của Toyota có thể bị ảnh hưởng như thế nào, và công ty vẫn chưa đưa ra thông tin bình luận nào cả.