Dân Việt

Được rót 93,5 triệu USD, Đại học Fulbright Việt Nam sẽ tiếp nhận bao nhiêu sinh viên?

Quốc Hải 26/02/2022 17:15 GMT+7
Khoản tài chính “khủng” trị giá 93,5 triệu USD (2.134 tỷ đồng) sẽ hỗ trợ dự án xây dựng khuôn viên chính của Trường Đại học Fulbright tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, giúp trường này hoàn tất cơ sở vật chất, đủ năng lực tiếp nhận khoảng 7.000 sinh viên từ khắp Việt Nam
Đượt “rót” 93,5 triệu USD, Trường ĐH Fulbright Việt Nam sẽ tiếp nhận được bao nhiêu sinh viên? - Ảnh 1.

Lãnh đạo Đại học Fulbright Việt Nam và đại diện các nhà tài trợ. Ảnh: Fulbright Việt Nam

Trong buổi đối thoại cùng ông John Kerry - đặc phái viên của tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu - diễn ra tại Đại học Fulbright Việt Nam (cơ sở quận 7, TP.HCM), bà Đàm Bích Thủy - Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam - đã công bố khoản hiến tặng được 8 nhà tài trợ và gia đình cam kết dành cho trường với tổng giá trị lên tới 40 triệu USD (912,8 tỷ đồng).

Theo đó, Đại học Fulbright Việt Nam cũng gọi 8 nhà tài trợ này là các thành viên ban đầu của "Hội đồng sáng lập trường".

8 thành viên đều là các doanh nhân, trong đó có những nhân vật nổi tiếng trên thương trường gồm: Ông Nguyễn Bảo Hoàng và bà Nguyễn Thanh Phượng (Công ty Phoenix Holdings); ông Lê Văn Kiểm và gia đình (Chủ tịch Công ty CP đầu tư và kinh doanh Long Thành); bà Lê Nữ Thùy Dương và gia đình (Phó Chủ tịch Công ty CP đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành); ông Trần Trọng Kiên và gia đình (Chủ tịch và Tổng giám đốc Công ty Thiên Minh); ông Đỗ Viết Cường và gia đình (cựu Giám đốc chiến lược toàn cầu, Tập đoàn Samsung); ông Lê Hồng Minh và gia đình (sáng lập và Tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG); ông Vương Quang Khải và gia đình (đồng sáng lập Công ty cổ phần VNG, Chủ tịch Zalo);... 

Trong 8 thành viên trên, đáng chú ý là doanh nhân Lê Văn Kiểm (Golf Long Thành) và con gái Lê Nữ Thùy Dương đã cùng đóng góp tới 10 triệu USD.

"Đại học Fulbright vô cùng may mắn và vinh dự đón nhận món quà hào phóng này từ những thành viên đầu tiên của Hội đồng sáng lập. Sự ủng hộ lớn lao này sẽ giúp chúng tôi biến giấc mơ táo bạo về một trường đại học xanh đầu tiên của Việt Nam trở thành hiện thực", bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ.

Đượt “rót” 93,5 triệu USD, Trường ĐH Fulbright Việt Nam sẽ tiếp nhận được bao nhiêu sinh viên? - Ảnh 3.

Phối cảnh ĐH Fulbright Việt Nam tại Khu Công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: ĐH Fulbright Việt Nam

Cùng với khoản hiến tặng của các thành viên Hội đồng sáng lập, Đại học Fulbright Việt Nam cũng tiếp nhận khoản tài chính trị giá 37 triệu USD dưới hình thức một khoản vay trực tiếp 20 năm của Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC).

Khoản tài chính này sẽ được dùng để hỗ trợ việc giai đoạn I của dự án xây dựng ký túc xá, các tòa nhà phục vụ cho hoạt động đào tạo, nhà ăn và nơi giải trí cho 1.500 sinh viên.

Đượt “rót” 93,5 triệu USD, Trường ĐH Fulbright Việt Nam sẽ tiếp nhận được bao nhiêu sinh viên? - Ảnh 4.

Đượt “rót” 93,5 triệu USD, Trường ĐH Fulbright Việt Nam sẽ tiếp nhận được bao nhiêu sinh viên? - Ảnh 5.

Phối cảnh hiện đại của ĐH Fulbright Việt Nam tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: ĐH Fulbright Việt Nam

Ngoài ra, ông John Kerry, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, cho biết Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng sẽ hỗ trợ 16,5 triệu USD cho Trường Đại học Fulbright Việt Nam trong vòng 3 năm tới.

Như vậy, tổng tài chính mà Trường Đại học Fulbright Việt Nam sắp được nhận trị giá lên tới 93,5 triệu USD (2.134 tỷ đồng). Khoản tài chính này sẽ hỗ trợ dự án xây dựng khuôn viên chính của Trường Đại học Fulbright rộng 15ha tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

"Fulbright sẽ nỗ lực gây quỹ để hoàn tất toàn bộ khuôn viên trường trong những năm tới, với mục tiêu tiếp nhận 7.000 sinh viên Việt Nam", bà Đàm Bích Thủy cho biết thêm.

Được biết, hoạt động hiến tặng, đặc biệt là hiến tặng cho giáo dục vẫn còn là một khái niệm mới mẻ tại Việt Nam. 

Trước đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Vietjet Air, cũng gây xôn xao khi công bố hiến tặng khoản tiền lên tới 211 triệu USD, nhưng cho một trường đại học tại Anh quốc.

Đại học Fulbright Việt Nam là trường đại học độc lập, hoạt động không vì lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam, với chương trình đào tạo theo mô hình giáo dục khai phóng của Mỹ. Khởi nguồn từ dự luật ngân sách 1991 do Thượng nghị sĩ John Kerry bảo trợ để cấp học bổng cho sinh viên và các cán bộ quản lý nhà nước của Việt Nam sang Mỹ học.

Tiếp nối thành công của chương trình này, vào năm 1994, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tài trợ cho Trường Quản lý nhà nước John F.Kennedy tại Đại học Harvard hợp tác với Trường Đại học Kinh tế TP.HCM để thành lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, trung tâm đào tạo chính sách công đầu tiên của Việt Nam.

Cả hai chương trình trao đổi và chương trình đào tạo chính sách công sau đại học hiện nay vẫn đang hoạt động và đã đào tạo hơn 2.000 nhà quản lý và hoạch định chính sách trong khu vực công và tư tại Việt Nam.

Năm 2016, Trung tâm đào tạo chính sách công do Đại học Harvard ươm tạo, được phát triển thành Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, đơn vị học thuật đầu tiên của Đại học Fulbright Việt Nam.

Hiện nay, Trường Đại học Fulbright Việt Nam có 3 nhánh đào tạo học thuật: Chương trình đại học (cấp bằng cử nhân khoa học xã hội, bằng cử nhân khoa học, bằng cử nhân kỹ thuật), Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (cấp bằng thạc sĩ chính sách công trong lĩnh vực phân tích chính sách, lãnh đạo và quản lý) và Học viện YSEALI (Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á).

Khuôn viên chính của Trường Đại học Fulbright Việt Nam đang được xây dựng tại Khu Công nghệ cao TP.HCM trên khu đất rộng 15 ha được UBND TP.HCM cấp.