Khách du lịch trải nghiệm Water-powered hoverboard (môn thể thao đang "Hot" trong giới trẻ) trên biển Bali ngày 23/2. (Ảnh: EPA-EFE)
"Rất có thể nếu tình trạng hiện tại được cải thiện hơn nữa, nếu tất cả đều tốt chúng tôi sẽ thực hiện kế hoạch đó vào tuần thứ 2 hoặc thứ 3 của tháng Ba" - báo Straits Times dẫn lời Bộ trưởng cấp cao Indonesia Luhut Pandjaitan nói tại cuộc họp báo hôm 25/2:
Bộ trưởng Luhut chịu trách nhiệm điều phối các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan Covid-19 trên đảo Java. Đây là đảo đông dân nhất Indonesia - đất nước được mệnh danh là "Xứ sở vạn đảo" bởi bao gồm 13.487 hòn đảo, cũng là điểm đến du lịch rất hút khách với lợi thế sở hữu 4/8 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận ở Indonesia, bao gồm: Công viên Quốc gia Ujung Kulon, Đền Borobudur, Đền Prambanan và Di tích Sangiran Early Man.
Trước thềm "miễn cách ly", khách du lịch tới Indonesia sẽ được giảm thời gian cách ly từ 5 ngày hiện nay xuống còn 3 ngày từ 1/3. (Ảnh: AFP)
Indonesia đã bắt đầu thực thi kế hoạch mở cửa trở lại với du lịch quốc tế, giai đoạn đầu cho phép điểm đến du lịch nổi tiếng đảo Bali đón khách du lịch nước ngoài từ ngày 14/10/2021.
Tuy nhiên dấu hiệu khởi sắc chỉ xuất hiện sau khi Bali đón chuyến bay thẳng quốc tế đầu tiên (sau gần 2 năm) hạ cánh xuống sân bay Ngurah Rai hôm 3/2/2022. Kể từ đó Bali đã đón 1.300 khách, bao gồm 700 khách du lịch nước ngoài.
Để thúc đẩy sức cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế, Chính phủ Indonesia đã thông báo quyết định từ ngày 4/2 rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc với tất cả khách du lịch đã tiêm 2 mũi vaccine nhập cảnh vào "Xứ sở vạn đảo" từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Con số này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 3 ngày kể từ 1/3.
Du lịch là lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Indonesia và được xếp hạng là ngành du lịch phát triển nhanh thứ 9 trên thế giới, nhanh thứ 3 châu Á và nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Dấu hiệu khởi sắc du lịch Indonesia xuất hiện, sau khi Bali mở cửa đón khách du lịch đã tiêm chủng đầy đủ, đến từ tất cả các quốc gia kể từ ngày 4/2/2022. (Ảnh: travelinglifestyle.net)
Sở hữu nền văn hóa phong phú và nhiều màu sắc của hơn 1.300 dân tộc, "Xứ sở vạn đảo" còn hấp dẫn khách du lịch quốc tế bởi những nét đặc sắc của các nền văn hóa truyền thống bản địa.
Ví dụ như bộ tộc bản địa Toraja ở Nam Sulawesi vẫn duy trì mạnh mẽ đức tin vật linh truyền thống, mặc dù ngày nay hầu hết người Toraja theo đạo Thiên Chúa. Một trong những truyền thống Toraja nổi tiếng là nghi thức tang lễ Rambu Solo - nghi lễ tôn vinh và tiễn linh hồn người đã khuất về cõi vĩnh hằng với tổ tiên.
Nghi thức tang lễ Rambu Solo - một trong những truyền thống nổi tiếng của bộ tộc bản địa Toraja. (Ảnh: hellotravel)
Bộ tộc bản địa Minangkabau cho tới này vẫn duy trì nền văn hóa mẫu hệ độc đáo, mặc dù họ là những người Hồi giáo sùng đạo. Bộ tộc bản địa Minangkabau được đánh giá là xã hội mẫu hệ lớn nhất thế giới, với quyền sở hữu tài sản gia đình được truyền từ mẹ sang con gái vẫn được tiếp nối qua các thế hệ…
Bali mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế, song song với các quy định phòng chống Covid-19 vẫn được thực thi ngay từ sân bay. (Ảnh: AP)
"Xứ sở vạn đảo" từng đón 16,10 triệu lượt khách du lịch quốc tế năm 2019. Nhưng Covid-19 khiến Indonesia đóng cửa biên giới từ tháng 4/2020, dẫn tới số khách du lịch quốc tế sụt giảm xuống còn 4,05 triệu người năm 2020.
Sau khi Indonesia mở cửa trở lại Bali và các điểm du lịch khác cho khách quốc tế từ giữa tháng 10/2021, số khách du lịch nước ngoài đến trong tháng 11/2021 là 150.577 người, tháng 12/2021 là 163.619 người...