Ẩn khuất trong làn sương mù bao phủ trên ngọn núi Vô Vi, ngôi chùa nhỏ cùng tên có lịch sử hơn 6 thế kỷ nằm ở xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Ngọn núi đá Vô Vi nhỏ, nằm tách biệt khỏi dãy Tử Trầm - còn được người dân trong vùng quen gọi là núi Con Rồng. Chùa Vô Vi thì được người dân ví như viên ngọc quý, nằm chênh vênh giữa trời đất.
Tuy có lịch sử tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng chùa Vô Vi được ít người biết đến. Khung cảnh xung quanh ngôi chùa thường vắng lặng, thanh tịnh. Người dân trong làng thường qua chùa lễ Phật vào những ngày rằm hay lễ Tết.
Tương truyền, Vô Vi là ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 968. Thời Tiền Lê, chùa xây dựng ở chân núi Trạo (980-1004) có tên là Phúc Trù tự. Đến thời nhà Trần, chùa được xây ở lưng núi gọi là Trai Tinh tự. Thời Hậu Lê, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) chùa dời lên gần đỉnh núi như ngày nay, đổi lại tên như thời Đinh là Vô Vi tự.
Chùa Vô Vi gắn liền với vị tướng Trần Văn Tăng, người xuất gia từ nhỏ. Sau khi chiến đấu dẹp thù trong giặc ngoài, ông lên núi Vô Vi dựng chùa ở ẩn. Là người thấm nhuần tư tưởng đạo Lão, ông đặt tên chùa là Vô Vi với tinh thần được biểu hiện trong bài thơ "Trùng phỏng Vô Vi tự" do chính ông sáng tác và khắc trên đá.
Trên cổng vòm có đề ba chữ Hán "Vô Vi tự", con đường nhỏ với những bậc thang xếp bằng đá tảng đưa du khách đến tiền đường, nhà mẫu, rồi chính điện. Chỉ khoảng vài trăm bậc nhưng lối lên Vô Vi tự không quá dễ dàng, càng lên cao càng hẹp và dốc hơn.
Không giống những ngôi chùa quy mô hoành tráng thường thấy, Vô Vi tự rộng hơn 10 m2, thiết kế không tuân theo quy luật thông thường hình chữ Đinh hay Nội công ngoại quốc, mà chỉ khiêm tốn với một gian duy nhất, mái lợp ngói mũi hài cùng các cột, xà nhỏ bằng gỗ và đá đơn giản.
Trong chùa chỉ có ban Tam bảo với tượng Phật, tượng thánh. Hai bên là hai vị Hộ pháp uy nghiêm. Phía bên hông của nhà thờ tổ là một lối đi nhỏ cheo leo, men theo núi.
Không gian phía sau mở ra một căn lầu nhỏ được thiết kế mái cong, gạch ngói, nhiều cột trụ, giống như một nơi thiền tịnh của các vị sư. Ngay bên cạnh là núi Vô Vi với lầu Nghênh Phong ở trên đỉnh, nơi đây còn treo một quả chuông nhỏ được đúc từ năm 1814.
Sát bên hông chùa là lối đi nhỏ chỉ vừa một người qua, dẫn tới lầu Nghênh Phong. Từ trên nhìn xuống, các lớp mái khéo léo xen kẽ nhau như sợi dây liên kết giữa chùa Vô Vi và lầu gác này bao thế kỷ qua.
Điểm đặc biệt của lầu Nghênh Phong là trên chóp mái có hình tượng âm dương Lạc Việt bên trong vòng bát quái. Hình tượng này được vẽ trên hai nửa viên gạch hồng ghép lại để từ điểm trung tâm này, các xà, cột, kèo theo đó tỏa xuống theo quy luật kiến trúc nghiêm khắc.
Để lên được chùa, người dân phải leo qua những bậc đá vắt vẻo bên sườn núi, xen vào đó là hàng loạt cây hoa đại có tuổi đời hàng trăm năm, sần sùi khô khốc vì chưa vào mùa hoa.
Theo người dân ở đây, vào mùa hoa đại, nếu leo lên đến đỉnh ngọn núi Vô Vi thì du khách sẽ thấy được vẻ đẹp tự nhiên ban tặng. Cả ngôi chùa nhỏ nằm vỏn vẹn dưới những tán hoa đại trắng muốt, tỏa mùi hương thanh mát như dẫn người bước vào không gian tĩnh mịch tựa hư không.
Hình tượng âm dương Lạc Việt là niềm tự hào về bản sắc văn hóa của người Việt, một họa tiết nhỏ nhưng đủ sức khẳng định về tính dân tộc, sự độc lập của văn hóa Việt, không thể trộn lẫn với bất cứ nền văn hóa khác.
Từ lầu Nghênh Phong, muốn lên tới đỉnh cao nhất của ngọn núi Vô Vi, du khách phải leo khoảng hai chục bậc đá dựng đứng, chui qua kẽ đá hẹp để lên tới đỉnh.
Xung quanh núi Vô Vi là khung cảnh làng quê yên bình. Giữa thinh không, chiều đến, tiếng chuông chùa ngân vang khiến lòng người như chững lại và ngẫm về triết lý "vô vi" mà vị đạo sĩ đã đặt tên cho ngôi chùa.
Đứng ở nơi cao nhất của đỉnh núi Vô Vi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thiên nhiên lãng mạn và đầy thơ mộng của làng quê Việt Nam. Cảnh làng quê xen lẫn phố thị, đồng lúa xanh mướt.
Có thể nói, chùa Vô Vi dành cho những người muốn tìm về không gian thanh tịnh, để được hòa mình vào đất trời và tan trong tiếng chuông mỏng mảnh lẫn vào sương khói.