Là một trong những nông dân có diện tích trồng lúa lớn ở địa phương, ông Nguyễn Ngọc Phát (SN 1959) - Chi hội trưởng nông dân ấp Cây Me xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT. Ông Phát cho biết: Hiện ông trồng 20ha lúa. Từ năm 2009, được sự quan tâm giúp đỡ của địa phương và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Hội ND xã đã tạo điều kiện cho ông Phát tham quan nhiều mô hình điểm; các lớp tập huấn, hội thảo ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên việc canh tác được cải thiện, năng suất lúa ngày càng tăng.
Đáng chú ý, những năm gần đây, gia đình ông Phát còn thuê thiết bị bay không người lái để phục vụ cho việc canh tác lúa. Nhờ vậy, đã góp phần giảm giá thành sản xuất, hiệu quả kinh tế được tăng lên.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Phát còn hướng dẫn, giúp đỡ 15 nông dân vươn lên thoát nghèo. Chủ tịch Hội ND xã Châu Lăng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đánh giá, với vai trò Chi hội trưởng nông dân ấp Cây Me, ông Phát rất nhiệt tình trong công tác hội, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bản thân ông là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi nhiều năm. Ngoài ra, ông cùng gia đình đã có nhiều đóng góp cho địa phương với các hoạt động, như: Đóng góp Quỹ Hỗ trợ nông dân; Quỹ Vì người nghèo; ủng hộ ngày công và tiền mặt làm lộ nông thôn, làm cầu nông thôn…
"Chúng tôi đang tranh thủ với T.Ư Hội NDVN và các ngành chức năng xây dựng dự án "Chuyển đổi số nông nghiệp trên cây xoài tại địa bàn huyện Chợ Mới, giai đoạn 2022-2025". Dự án sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng từ cây xoài...".
Ông Nguyễn Văn Nhiên –
Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang
Còn ông Phan Văn Thụ (ở ấp Tân Thuận, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) lại ứng dụng chuyển đổi số để trồng dưa lưới trong nhà màng. Ông Thụ cho biết: Qua tìm hiểu và tham quan thực tế, ông thấy mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đem lại thu nhập cao nên đã đầu tư nhà màng, hệ thống tưới tự động điều khiển bằng điện thoại. Mô hình trồng dưa lưới có diện tích 1.000m2, tổng kinh phí đầu tư 400 triệu đồng, trong đó, ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ 50% chi phí.
"Với diện tích trên, mỗi vụ gia đình tôi thu hoạch khoảng 3,5 tấn dưa lưới. Sản phẩm được Công ty TNHH MTV 0207 bao tiêu với giá 27.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu về lợi nhuận trên 24 triệu đồng mỗi vụ. Đặc biệt, dưa lưới có thể canh tác 4 vụ/năm nên gia đình thu về gần 100 triệu đồng/năm. Hai vụ gần đây, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lợi nhuận dù có giảm nhưng vẫn là mô hình hiệu quả" - ông Thụ chia sẻ.
Tạo động lực để thúc đẩy chuyển đổi số
Ông Nguyễn Văn Nhiên - Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang cho biết: Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng công tác Hội và phong trào nông dân năm 2021 tại An Giang đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, các cấp Hội tập trung 3 hoạt động đột phá, đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu. Tiêu biểu: Phát triển hội viên mới đạt 114%; tuyên truyền, vận động thành lập mới 21 hợp tác xã, 160 tổ hợp tác. Trong năm Hội ND tỉnh An Giang xét công nhận 86.000 hộ nông dân đạt danh hiệu "nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi" và hơn 1.300 doanh nhân nông thôn…
Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết: "Điển hình trong thực hiện Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN là Ban Thường vụ Hội ND tỉnh chủ động đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang kết nối doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trọn gói, như: Mô hình "lúa rải vụ" với Tập đoàn Lộc Trời, sản xuất lúa Nhật với Công ty Angimex - Kitoku. Đồng thời, thành lập mới tổ hợp tác có sự tham gia của doanh nghiệp cùng chi - tổ hội nông dân nghề nghiệp. Từ đó, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và bao tiêu sản phẩm".
"Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2022, Hội ND tỉnh An Giang sẽ đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh, xây dựng vùng nguyên liệu và tạo mối liên kết bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp. Từ đó, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng quy hoạch vùng. Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh An Giang phối hợp các sở, ngành đào tạo, tập huấn kỹ năng hoạt động trên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận sản phẩm trên sàn giao dịch này cho lực lượng nông dân giỏi của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Nhiên nhấn mạnh: "Chúng tôi đang tranh thủ với T.Ư Hội NDVN và các ngành chức năng xây dựng dự án "Chuyển đổi số nông nghiệp trên cây xoài tại địa bàn huyện Chợ Mới, giai đoạn 2022-2025". Dự án sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng từ cây xoài, xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, nâng cao tính cạnh tranh trên cơ sở hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kiến thức cho cán bộ hội và người trồng xoài. Qua đó, xây dựng mô hình điểm về sản xuất theo chuỗi giá trị an toàn và tạo cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý sản xuất xoài trên thiết bị di động, tham gia xây dựng nhãn hiệu xoài Chợ Mới".