Bản quản lý dự án giao thông cầu An Hòa vừa kiến nghị UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt kế hoạch tổ chức lễ thông xe kỹ thuật công trình cầu An Hòa trong những ngày đầu tháng 3 này.
Cầu An Hòa (còn có tên khác là cầu An Phước) gồm 11 nhịp. Đây là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Vàm Cỏ Đông. Cầu và đường dẫn vào cầu có tổng chiều dài hơn 6,2km. Cầu An Hòa đã thông xe qua cầu toàn tuyến trước tết Nguyên đán.
Dự án cầu An Hòa khởi công vào tháng 7/2019, với tổng vốn đầu tư hơn 399 tỷ đồng. Hiện nay, nhà thầu đang hoàn thiện các hạng mục lan can, hệ thống thoát nước và chiếu sáng trên cầu.
Cầu An Hòa là công trình kết nối các xã biên giới Phước Chỉ và Phước Bình (của TX.Trảng Bàng, Tây Ninh), cũng như huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) với trung tâm TX.Trảng Bàng.
Cầu An Hòa giúp khoảng cách được rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa.
Ngoài việc tạo động lực phát triển kinh tế cho xã Phước Chỉ và xã Phước Bình, cầu An Hòa còn có ý nghĩa bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới.
Thông xe kỹ thuật cầu An Hòa. Ảnh: Vũ Đông
Ông Nguyễn Văn Sáu, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 (tỉnh Tây Ninh) vốn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xã Phước Bình.
Ông Sáu kể, quê hương vốn nghèo khó, dân nghèo lại đông. Một phần lớn nguyên nhân do đường sá đi lại khó khăn, cách xa phố thị.
Việc canh tác nông nghiệp ở địa phương cũng không thuận lợi do nhiều diện tích đất thường xuyên úng ngập.
Ngay cả mô hình trồng khóm hiện tại, đang cho nguồn thu tiền tỷ của ông Sáu cũng là hành trình không biết mệt mỏi, biến vùng đất đất hoang hóa, úng ngập miền biên cương mà thành.
Nông dân trồng lúa và hoa màu ở xã Phước Bình (TX.Trảng Bàng). Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo lời ông Sáu, nếu trồng lúa ở những xã khác, chi phí cho một mẫu lúa khoảng 10 triệu đồng, thì ở vùng này, chi phí tăng lên 12-13 triệu đồng.
Nông dân ở vùng Phước Bình mua vật tư với giá cao hơn nông dân vùng khác. Thế nhưng, thương lái mua lúa ở Phước Bình thấp hơn mua ở chỗ khác.
"Từ phân bón, hàng hóa đều gặp khó khăn do khâu vận chuyển đều, nên giá cả tăng lên", ông Sáu nói.
Mặc dù xã Phước Bình thuộc TX.Trảng Bàng nhưng xe cộ phải đi một vòng rất xa. Thực tế, chúng tôi đi từ TP.HCM lên xã Phước Bình phải di chuyển qua 2 huyện là Gò Dầu và Bến Cầu.
Đây cũng là lý do dễ hiểu khi cầu An Hòa được thông xe, đôi bờ sông Vàm Cỏ Đông được nối liền là niềm vui không chỉ của riêng ông Sáu, mà còn của rất nhiều bà con ở 2 xã Phước Chỉ và Phước Bình.
Cũng theo ông Sáu, từ 5 năm trở lại đây, chương trình phát triển nông thôn mới và thủy lợi đã tạo điều kiện đổi thay bộ mặt nông thôn rất nhiều.
Điểm nhấn là cây cầu An Hòa sẽ giúp cho con trẻ thuận tiện đến trường, người dân đi lại thuận tiện. "Hai xã cánh Tây của Trảng Bàng sẽ có cơ hội nhiều hơn để phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới", ông Sáu nói.
Ông Lê Vũ Phương - PCT UBND xã Phước Chỉ cho biết, cầu An Hòa là niềm vui lớn lao của bà con 2 xã cánh Tây.
Sau hơn 2 năm thi công, mọi phương tiện đi từ 2 xã cánh Tây TX.Trảng Bàng có thể qua lại 2 bên bờ sông Vàm Cỏ Đông.
Phà Lái Mai chính thức chấm dứt vai trò lịch sử của mình, và trở thành ký ức của người dân 2 xã Phước Chỉ và Phước Bình.
Ông Phương chia sẻ, trách nhiệm còn lại của địa phương là tập trung cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, xứng đáng với sự đầu tư của tỉnh; góp phần cùng TX.Trảng Bàng vững bước tiến lên thành phố Trảng Bàng trong tương lai.