Hai năm qua, mỗi lần có sách mới đưa vào sử dụng đều nhận ý kiến trái chiều, là Tổng chủ biên sách mới, ông đón nhận phản ứng của dư luận thế nào?Theo lộ trình chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 3, 7, 10 sẽ chính thức học SGK mới. Vậy, nội dung sách mới lớp 3 thế nào và chất lượng học sinh lớp 1, 2 sau khi học sách ra sao... là những vấn đề đang nhận được nhiều quan tâm của dư luận và phụ huynh.
PV báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt cấp Tiểu học và THCS, bộ Cánh Diều, xoay quanh vấn đề này.
Chào ông, dư luận đang rất quan tâm bộ SGK Tiếng Việt lớp 3 sẽ được đưa vào chương trình học năm tới. Xin ông cho biết cuốn sách mới này có điều gì đặc biệt?
- Bộ SGK Tiếng Việt lớp 3 Cánh Diều có nội dung kế thừa và đổi mới. Kế thừa những điểm tốt của SGK cũ là nguyên tắc đã được quy định bằng các văn bản quy phạm pháp luật là Nghị quyết 88 của Quốc hội và Quyết định 404 của Chính phủ về đổi mới chương trình, SGK phổ thông.
Kinh nghiệm cho thấy không có đổi mới nào về giáo dục hay về xã hội nói chung thành công nếu đứt đoạn với quá khứ.
SGK Tiếng Việt 3 mới kế thừa 25% tổng số bài đọc của SGK cũ và số văn bản kế thừa này chiếm 31% tổng số bài đọc trong SGK mới, hầu hết là những bài thơ, bài văn hay của những nhà văn, nhà thơ đã góp phần làm nên diện mạo của nền văn học Việt Nam. Nếu học sinh không được học những bài văn, bài thơ hay như vậy thì sẽ rất thiệt thòi.
SGK lớp 3 mới cũng kế thừa tư tưởng tích hợp, tích cực của SGK cũ. Tích hợp có nghĩa là gắn kết nội dung các phần trong một bài học và giữa các bài học với nhau để tăng cường hiệu quả và giảm tải. Tích cực có nghĩa là tích cực hóa hoạt động của học sinh để kiến thức, kĩ năng thực sự là của các em.
Điểm mới của SGK thể hiện trước hết ở cấu trúc. SGK mới tổ chức các chủ điểm thành các chủ đề. Có 4 chủ đề chính là: Măng non (về thiếu nhi); Cộng đồng (về xã hội); Đất nước (về đất nước, con người Việt Nam) và Ngôi nhà chung (về Trái Đất, cụ thể là về môi trường, tình hữu nghị giữa các dân tộc và thái độ tôn trọng sự khác biệt về văn hóa giữa các dân tộc,… Đó là những vấn đề lớn trên thế giới hiện nay).
Các bài học trong SGK mới cấu trúc theo hệ thống hoạt động học tập của học sinh. Cấu trúc này thể hiện rõ hơn nhận thức về quy trình hoạt động, từ đó hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động theo từng bước. Mỗi bài học đều bắt đầu bằng chia sẻ kinh nghiệm, rồi đến khám phá cái mới, luyện tập củng cố, vận dụng những điều đã học vào thực tế và tự đánh giá kết quả học tập.
SGK mới không tổ chức tiết luyện từ và câu (từ ngữ, ngữ pháp) riêng mà biến nội dung này thành bài tập gắn với bài đọc để tăng cường tính tích hợp, nâng cao, hiệu quả giáo dục và "giảm tải" cho học sinh.
Có một số hoạt động có thể coi là "đặc sản" của SGK Cánh Diều, như tự đọc sách báo, góc sáng tạo, tự đánh giá sau mỗi bài học. Tự đọc sách báo là hoạt động xây dựng nền nếp tự đọc, tự học. Góc sáng tạo là bài tập khơi gợi óc sáng tạo và năng lực vận dụng những điều đã học cuộc sống. Tự đánh giá là hoạt động ở cuối mỗi bài học, giúp học sinh tổng kết những điều đã biết và đã làm được sau mỗi bài học.
SGK Tiếng Việt lớp 3 hứa hẹn thành công với nhiều điểm kế thừa và đổi mới. Thế nhưng có một số phụ huynh học sinh cho rằng SGK Tiếng Việt Cánh Diều lớp 1 lại dạy nhanh, học sinh cần phải học chữ trước mới theo được. Ý kiến của ông thế nào?
- Có thể một số phụ huynh học sinh thấy sách cũ cho đến giữa học kỳ I cũng chỉ dạy đọc 1, 2 câu, còn sách Cánh Diều dạy bài đọc 4, 5 câu ngay từ tuần thứ ba thì cho là sách Cánh Diều dạy nhanh, khó học. Nhưng nếu đọc kĩ thì sẽ thấy độ dài các bài đọc của sách được nâng dần dần, từ 4, 5 tiếng đến 10 tiếng, 12 tiếng rồi đến bài đọc 20 tiếng… Các tiếng hoặc câu trong bài đọc chỉ lặp đi lặp lại những chữ học sinh đã học, nhờ đó mà học sinh không quên mặt chữ và phát triển kĩ năng đọc tốt hơn.
Tất cả các trường dạy sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều đều nhận xét là chỉ sau 2 tháng học sách này, học sinh đã đọc khá thạo, viết khá nhanh. Nhưng vì sao phụ huynh còn kêu khó? Tôi cho rằng có nguyên nhân từ sự chênh lệch về khả năng đọc, viết giữa các học sinh trong lớp. Một số phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh ở thành phố, thường cho con học chữ trước.
Việc một số học sinh trước khi vào lớp 1 đã biết đọc, biết viết khiến nhiều giáo viên đánh giá sai lệch đối với những học sinh vào lớp 1 mới học đọc, học viết theo đúng chương trình. Đánh giá như vậy không đúng. Thầy cô cần xác định căn cứ để đánh giá học sinh là chương trình lớp 1, từ đó có sự đánh giá công bằng với những học sinh không học đọc, học viết trước khi vào lớp 1. Học sinh hoàn thành chương trình mầm non 5 tuổi chỉ cần biết mặt chữ, chữ số và ghép được một số vần đơn giản thôi. Nếu dựa vào những học sinh đã biết đọc, biết viết, biết cộng trừ để đánh giá học sinh khác thì điều đó không đúng.
Vậy theo ông, sang học kỳ 2 mà học sinh chưa đọc trơn tru, đánh vần từng chữ có được cho là chậm không?
- Sách Cánh Diều dạy không nhanh mà dạy chậm hơn nhiều sách khác. Hết tuần 26, tức là giữa học kì II, học sinh mới học hết vần, từ tuần 27 mới chuyển sang phần Luyện tập tổng hợp. Nếu một tiếng chứa những chữ, những vần đã học rồi mà học sinh đọc chậm thì đúng là chưa đạt yêu cầu. Còn tiếng chứa những vần mới học, nhất là vần khó mà đọc chậm thì điều đó là bình thường. Trong trường hợp học sinh không đọc trơn được, thì giáo viên có thể cho các em đánh vần.
Nhiều người cho rằng, SGK cần phải thực nghiệm vài năm trước khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay sách đã cho học sinh học luôn liệu như vậy có khiến các em trở thành "chuột bạch"?
- Trong lần đổi mới trước, đúng là SGK lớp nào cũng được dạy thực nghiệm từ 3 đến 4 năm ở một số trường. Thực nghiệm với thời gian dài có mặt tốt nhưng có mặt không tốt. Trước hết là mất thời gian. Sau nữa là có không ít phụ huynh ở những trường dạy chương trình thực nghiệm lo lắng là con họ phải làm "chuột bạch", không được học chương trình chính thức như ở phần lớn các trường. Vì vậy, lần này, Bộ GDĐT chủ trương chỉ dạy thực nghiệm những nội dung mới, phương pháp mới còn nội dung cũ thì không cần.
Bộ GDĐT quy định số tiết phải dạy thực nghiệm theo tổng số tiết của môn học. Như môn Tiếng Việt ở tiểu học, số tiết dạy thực nghiệm phải chiếm 20% tổng số tiết (ví dụ, lớp 3 có 245 tiết Tiếng Việt thì SGK môn học này phải dạy thực nghiệm 50 tiết). Bên cạnh đó, các bản mẫu SGK còn được gửi về 63 tỉnh, thành và một số trường sư phạm, cơ quan nghiên cứu để lấy ý kiến. Mỗi địa phương phải có ít nhất 10 người đọc, góp ý; tổng số giáo viên góp ý khoảng trên dưới 600 người.
Việc dạy thực nghiệm và trưng cầu ý kiến của các tổ chức, cá nhân là rất cần thiết. Các tác giả SGK đã nghiên cứu nghiêm túc ý kiến của các địa phương và đơn vị, dự các tiết dạy thực nghiệm, ghi lại những điều cần lưu ý và nghe các thầy cô góp ý để điều chỉnh cho bài soạn tốt hơn. Bản thân tôi đã dự các tiết dạy thực nghiệm ở nội thành và ngoại thành Hà Nội, ở tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Thái Bình. Một tác giả sách sống ở TP.Hồ Chí Minh đã được cử theo dõi việc dạy thực nghiệm ở tỉnh Đồng Nai. Nói chung, kết quả dạy thực nghiệm rất bổ ích.
Hai năm qua, mỗi lần có sách mới đưa vào sử dụng đều nhận ý kiến trái chiều, là Tổng chủ biên sách mới, ông đón nhận phản ứng của dư luận thế nào?
- Tôi làm sách lâu rồi nên những điều này với tôi rất quen. SGK phục vụ đối tượng rất rộng rãi và không loại nào khó viết như sách giáo khoa, đặc biệt là sách lớp 1 vì học sinh mới biết được một số chữ, vần mà sách đã phải tạo ra bài đọc cho các em luyện tập. Có người chê bài đọc không văn chương. Nhưng làm sao có thể văn chương được khi học sinh lớp 1 mới biết 5, 7 chữ mà sách đã phải có bài luyện tập?
Làm một việc phục vụ xã hội, dư luận có người khen, người chê là bình thường. Cũng có thể là tác giả sách đã làm đúng nhưng cách thể hiện của chưa đúng để người ta hiểu sai. Cũng có thể là người phê bình không sát với trường phổ thông.
Nếu xã hội góp ý đúng thì tác giả sách cần tiếp thu, điều chỉnh vì đây là công việc phục vụ xã hội. Những điều góp ý chưa đúng thì có thể để tham khảo. Nhưng tôi luôn tin vào những điều anh em chúng tôi đã làm với tất cả tâm huyết và kinh nghiệm của mình. Ngay từ ngày sách Tiếng Việt 1 mới ra, tôi đã nói là mọi người hãy chờ 2 tháng. Sau đó, phản hồi của học sinh và giáo viên rất tốt. Có những cô giáo 20 năm trong nghề cho biết chưa bao giờ có lứa học sinh đọc nhanh như thế.
Có lần tôi vào Đồng Tháp, một hiệu trưởng ở vùng biên giới cho biết: "Trường em hầu hết là học sinh người Khmer. Chưa bao giờ các em lại lại đọc tốt, viết tốt như lần này". Kết quả đó là sự khẳng định và là nguồn động viên cho những người soạn sách giáo khoa chúng tôi.