Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo khoa học "Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội" do Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, thực hiện Chương trình số 03- CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025", UBND TP đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng "Đề án phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội", trong đó giao Viện chủ trì, phối hợp với một số sở, ngành, UBND quận huyện thực hiện nhiệm vụ.
Đây là hội thảo khoa học đầu tiên Viện tổ chức nhằm làm rõ các vấn đề lý luận về kinh tế đô thị, xác định nội hàm, phạm vi của Đề án, gợi mở những vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế đô thị Hà Nội, gợi ý về định hướng, giải pháp phát triển kinh tế đô thị Hà Nội trong giai đoạn tới. Đồng thời cũng nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về những nội dung liên quan đến lập "Đề án phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội".
Tại hội thảo, ý kiến của hầu hết chuyên gia đánh giá, mặc dù trong những năm qua, các hoạt động kinh tế tại khu vực đô thị có nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của Thủ đô. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế ở khu vực đô thị chưa thật sự phát huy được lợi thế, vai trò động lực, thu hút, lôi kéo hoạt động kinh tế khu vực nông thôn và chung của cả TP. Các nguồn lực như đất đai, tài chính, lao động, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… trong khu vực đô thị chưa được huy động và khai thác đồng bộ, có hiệu quả vào phát triển kinh tế đô thị Thủ đô.
Để kinh tế đô thị TP Hà Nội trong giai đoạn tới phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, TS Lê Văn Hoạt cho rằng, thành phố cần tập trung vào 6 giải pháp lớn, cụ thể: Nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội; rà soát lại quy hoạch, nhất là việc phân bố và tổ chức không gian phát triển công nghiệp và dịch vụ; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị theo hướng dồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy hiệu quả trong xây dựng đô thị, tổ chức đời sống của cư dân đô thị và phát triển kinh tế đô thị; đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong đô thị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong xây dựng đô thị và phát triển kinh tế đô thị.
Nhìn nhận phát triển kinh tế đô thị dưới góc nhìn quy hoạch, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để thực hiện yêu cầu phát triển kinh tế đô thị, Hà Nội cần xác định tồn tại, bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, từ đó phát hiện các đột phá đổi mới của mô hình kinh tế đô thị như kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn… để kiến nghị cho giai đoạn tới điều chỉnh bổ sung trong quy hoạch chung trong kinh tế đô thị. Bởi quy hoạch với kinh tế đô thị là quan hệ hữu cơ. Vai trò quy hoạch đã xác định trong giai đoạn phát triển vừa qua không chỉ căn cứ từ cơ sở pháp lý, từ truyền thống và yêu cầu đổi mới với nhận thức mới đầy đủ về kinh tế đô thị gần đây, đòi hỏi phải chủ động, sang tạo trong tiếp cận kinh tế đô thị để nâng cao chất lượng quy hoạch.
Đứng ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ, quận Hoàn Kiếm là quận đặc biệt trong 4 quận nội đô lịch sử, có diện tích nhỏ, mật độ dân cư cao. Kinh tế quận đang phát triển chủ yếu theo hướng thương mại, du lịch, dịch vụ (chiếm 98,7%). Trong đó, phát triển du lịch chiếm 23%. Với đặc điểm có quỹ di sản phong phú, đây là lợi thế để quận phát triển kinh tế đô thị theo định hướng phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần lớn vào thu ngân sách
Năm 2015 thu ngân sách quận là gần 5 nghìn tỷ, năm 2020 là 10 nghìn tỷ, đến năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng thu ngân sách quận vẫn đạt 14 nghìn tỷ, trong đó hơn 80% thu từ dịch vụ tài chính ngân hàng.
Để tạo nguồn lực phát triển giai đoạn tới, quận xác định nhiệm vụ phải đánh giá lại việc sử dụng đất, quỹ đất, cùng với đó tổ chức lại giao thông trên địa bàn. Vì hiện nhiều tuyến phố đi bộ đang triển khai trên địa bàn đã tạo ra nguồn lực cho quận, đặc biệt nguồn lực từ người dân kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là dịch vụ ẩm thực.
Quận cũng sẽ tập trung cải tạo lại các nhà chung cư cũ gắn với chỉnh trang đô thị từ công viên vườn hoa, từ đó thu hút nguồn đầu tư vào phát triển quận. Bên cạnh đó, tổ chức lại hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, các loại hình dịch vụ khu vực ngoài đê sông Hồng. Hoàn chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế đô thị của quận, khai thác thời gian trống trong đo thị đó là kinh tế đêm. Đây loại hình kinh tế rất phù hợp với không gian quy hoạch quận Hoàn Kiếm (quy hoạch theo ô bàn cờ), tuy nhiên hiện nguồn lực còn bỏ ngỏ. Quận mong muốn có sự quan tâm góp ý của các nhà khoa học đến sự phát triển kinh tế đô thị trên địa bàn quận.
Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ ghi nhận ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học và cho biết, Viện sẽ tổng hợp, tiếp tục củng cố, nghiên cứu trong quá trình thực hiện Đề án, qua đó định hướng các giải pháp phát triển kinh tế đô thị của của Thành phố trong thời gian tới.