Những ngày vừa qua, chiến sự Nga - Ukraine trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới. Trên các trang mạng xã hội, hàng loạt các thông tin, hình ảnh, video của chiến sự Ukraine được chia sẻ, nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Tuy nhiên, thực tế, không ít những thông tin chia sẻ trên mạng Internet được xác định là thông tin giả mạo, không được kiểm chứng, sai lệch ngữ cảnh và cả thông điệp tuyên truyền.
Hình ảnh được mô tả là "Bóng ma Kiev" được xác định là giả mạo. Ảnh: Twitter
Cụ thể, ngày 25/2, trên Twitter và Facebook, rất nhiều tài khoản đã chia sẻ đoạn video về một nhân vật ẩn danh có tên "Bóng ma Kiev" (Ghost of Kyiv). Theo những thông tin lan truyền thì người này được mô tả là một phi công bí ẩn đã bắn rơi 5 chiến đấu cơ và một trực thăng của Nga. Đoạn video được mô tả là cảnh phi công này đang truy đuổi và bắn rơi máy bay của Nga ở tầm thấp.
Tuy nhiên, ngay sau đó, giới chuyên gia đã phát hiện đoạn video được lan truyền này chỉ là một cảnh quay được dựng lên từ một trò chơi có tên gọi Digital Combat Simulator: World, phát hành năm 2013.
Chưa dừng lại ở đó, ngay 26/2, trên mạng xã hội lại tiếp tục lan truyền một đoạn video mô tả là do một lính dù Nga tự ghi lại khi anh đổ bộ xuống Ukraine. Chỉ sau vài giờ chia sẻ, đoạn video này đã nhận về hàng chục triệu lượt xem. Tuy nhiên, ngay sau đó, sự thật về đoạn video này đã được tiết lộ khi CNN khẳng định nó đã được xuất hiện từ năm 2015.
Video người lính thả dù đã xuất hiện từ năm 2015.
Hay như mới đây, trên mạng xã hội lại xuất hiện một bức hình với chú thích "Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska đang ở tiền tuyến chiến đấu với lực lượng Nga. Cô ấy đã 44 tuổi". Trên thực thế, USDToday lại khẳng định hình ảnh này không phải bà Zelenska. Nó được ghi lại trong một cuộc diễn tập năm 2021.
Hình ảnh được cho là "Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska" là sai sự thật.
Mới nhất, báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vừa qua đã phải tham gia vào cuộc chiến chống tin giả về cuộc chiến Ukraine – Nga. Báo Nhân dân đã phải lên tiếng về clip được cho là một cô bé Ukraine dám to tiếng với lính Nga, dám giơ nắm đấm và hô to: "Biến về nước các người đi!". Một biểu tượng phản chiến không thể tốt đẹp hơn để truyền thông phương Tây tuyên truyền.
Nhưng sự thật, đây thực chất là đoạn video từ năm 2012, trong đó ghi lại cảnh một bé gái người Palestine đang phản ứng trước sự hiện diện của lính Israel, không có bất cứ liên quan gì tới chiến dịch quân sự đang diễn ra của Nga ở Ukraine.
Trước thực trạng tin giả tràn lan trên môi trường mạng Internet, giới chuyên gia khuyến cáo người dùng mạng xã hội cần cẩn trọng, tìm đến những nguồn tin chính thống. Đồng thời, người dùng cần phải kiểm chứng kỹ trước khi bấm share bất cứ thông tin nào trên mạng xã hội để tránh trở thành nạn nhân của "tin giả".
Trước đó, ngày 28/2, Công ty mẹ của Facebook (Meta) đã thẳng tay gỡ bỏ nhiều tài khoản đã đăng tải những thông tin sai sự thật về tình hình chiến sự tại Ukraine. Theo thống kê của Meta, đã có khoảng 40 tài khoản, nhóm, trang trên cả Face book hay instagram đã bị "xoá sổ". Các tài khoản này đều có mánh khoẻ là mạo danh phóng viên, chuyên gia hàng không.v.v..đang có mặt tại hiện trường để đưa ra thông tin sai lệch.