Sau hai năm du lịch bị gián đoạn do các hạn chế Covid-19 luôn thay đổi, các hãng hàng không và công ty lữ hành một lần nữa phải chuẩn bị việc bị hủy chuyến và một đám mây đen bao phủ trên đầu ngành du lịch quốc tế.
Cho đến nay, hơn 30 quốc gia đã đóng cửa không phận của họ với Nga, Moscow đãkhông ngại đáp trả. Cơ quan Hàng không Nga thông báo họ đã đóng cửa không phận đối với ít nhất 37 quốc gia. Không phận Ukraine, Moldova và các khu vực của Belarus cũng vậy.
Ngắn hạn, điều này đồng nghĩa với việc các chuyến bay phải hủy hoặc chuyển hướng. Nhưng những hậu quả lâu dài đối với ngành du lịch có thể còn sâu rộng hơn nhiều. Đây là lý do tại sao:
Giá dầu thô toàn cầu tăng lên hơn 110 USD/thùng do các nhà đầu tư lo ngại xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ bị hạn chế hoặc tạm dừng do cuộc xung đột ở Ukraine.
Những đợt tăng giá này sẽ làm cho bất kỳ loại hình du lịch nào trở nên đắt hơn. Hãng hàng không lớn nhất châu Âu Lufthansa cho biết các đường vòng châu Á sẽ tiêu tốn "hàng triệu euro" mỗi tháng. Giám đốc tài chính Remco Steenbergen của Lufthansa cho biết hãng sẽ cần tăng giá vé để bù đắp giá nhiên liệu tăng và các chi phí khác.
Giá vé tăng đột biến có thể dẫn đến nhu cầu đi lại thấp hơn. Đó là tin xấu cho một ngành vốn đang phải vật lộn để bù đắp cho những tổn thất liên quan đến đại dịch, chưa kể đến lạm phát.
Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu, được gọi là EASA, đã cảnh báo về "nguy cơ cao" đối với các máy bay dân dụng bay gần biên giới Ukraine. Không phận Nga, Belarus, Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Moldova cũng nằm trong danh sách rủi ro.
EASA đã tăng gấp đôi diện tích vùng cảnh báo xung quanh Ukraine, do lo ngại "tên lửa tầm trung xâm nhập vào không phận được kiểm soát".
Còn nhớ, chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine vào năm 2014, khiến 298 người thiệt mạng. Các nhà điều tra cho biết, tên lửa hạ máy bay được bắn từ bệ phóng thuộc lữ đoàn tên lửa phòng không số 53 của Nga.
Chúng ta vẫn đang sống giữa một đại dịch với các hạn chế về việc đi lại và kiểm dịch theo từng quốc gia cụ thể. Các tổ chức du lịch đã kêu gọi các chính phủ dỡ bỏ các hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo tình trạng ở Ukraine và hậu quả là cuộc khủng hoảng người tị nạn sẽ khiến Covid-19 lây lan dễ dàng hơn.
"Bất cứ khi nào xã hội rối ren như thế này và khiến hàng triệu người phải di chuyển theo đúng nghĩa đen, thì các bệnh truyền nhiễm sẽ phát triển mạnh mẽ", Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc Chương trình Cấp cứu Y tế của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.
"Mọi người ở gần nhau, căng thẳng và không ăn, ngủ đúng cách. Họ rất dễ bị các tác động, trước hết là bản thân bị nhiễm bệnh. Và có nhiều khả năng bệnh sẽ lây lan", ông nói.
Hơn hai triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa và ước tính "có tới bốn triệu người có thể rời khỏi đất nước trong những tuần tới nếu xung đột tiếp tục." Ảnh hưởng của khả năng lây lan virus ở các nước láng giềng có thể khiến các chính phủ lo ngại nới lỏng các hạn chế của Covid-19, điều này sẽ tạo áp lực lên ngành du lịch.