Dân Việt

Học sinh lớp 12 sợ… trượt đại học vì học kém hiệu quả

Anh Tuấn 06/03/2022 06:00 GMT+7
Việc các trường thay đổi hình thức học liên tục khiến nhiều học sinh cuối cấp rơi vào trạng thái căng thẳng, có phần chán nản. Có em lo ngại rằng mình có thể trượt đại học vì học kém hiệu quả.

Rối bời, căng thẳng

Năm nay là năm cuối cấp, dù đã chuẩn bị "đối đầu" với tâm thế học tập thời dịch Covid-19 nhưng T.L, học sinh lớp 12 Trường chuyên Lương Văn Tụy ở Ninh Bình vẫn không tránh khỏi cảm giác rối bời và chán nản.

"Học thế này thì chắc em trượt đại học mất", L tâm sự với PV Dân Việt.

Học sinh lớp 12 sợ… trượt đại học vì học kém hiệu quả - Ảnh 1.

Tiết học vừa online vừa offline của học sinh THPT ở Nam Định. Ảnh minh họa: CGCC

Sau khi Ninh Bình liên tục tăng mạnh mỗi ngày vài nghìn ca mắc Covid-19, thời gian gần đây, trường của Linh chuyển sang hình thức học trực tuyến. Học hết tuần này, tuần sau L lại tới trường học trực tiếp. L cũng muốn đến trường được đi học trực tiếp vì cảm thấy năm cuối cấp của mình trôi qua khá thầm lặng. Một mặt, nữ sinh vẫn sợ mình "hai vạch", trở thành F0.

Học online là hình thức học linh hoạt mà học sinh phải thích ứng trong thời kỳ dịch bệnh song tác động tâm lý khá lớn đến học sinh. Như L là một ví dụ.

"Em cảm thấy học tập vừa online vừa offline khá bất tiện, học online tiếp thu kém", L cho biết. Đấy là chưa kể, nữ sinh còn thường xuyên thức đến 2-3 giờ sáng để ôn thi, học bài. Và có hôm em vào tiết học qua Zoom muộn vì... ngủ quên.

Dù dốc sức ôn luyện cho kỳ tuyển sinh sắp tới, L vẫn canh cánh nỗi lo trượt đại học. Năm nay, L dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển vào Y đa khoa của Đại học Y Thái Bình. L có sẵn 0,75 điểm cộng ưu tiên vùng nhưng vẫn "cày" chứng chỉ ngoại ngữ để được thêm điểm cộng. Nữ sinh coi điểm cộng là "vũ khí" tránh trượt. Chủ nhật tuần sau, L đi Hà Nội để thi lấy chứng chỉ.

"Được cộng 1, 2 điểm cũng là cả "gia tài" điểm số đối với những bạn thi vào trường y", L chia sẻ.

Giống như L, Ngô Hoàng Anh, học sinh lớp 12 tại một trường THPT ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết cũng "căng" như dây đàn vì ôn thi cuối cấp. Hiện tại, Hoàng Anh đang là F0. Đã hết sốt, chỉ còn ho, Hoàng Anh học trực tuyến ở nhà. Hết tiết học trực tuyến ở lớp, nam sinh lại "vùi đầu" vào học thêm các khóa ôn luyện cấp tốc.

"Chỉ còn khoảng 4 tháng cho kỳ thi quan trọng, em muốn tập trung 100% sức lực. Thời gian hầu hết của em học online không thể tiếp thu kiến thức tốt như trên lớp. Cũng có những lúc mờ hết cả mắt vì học online hết ca này đến ca khác nhưng không cố gắng thì không thể chạm vào mơ ước trở thành tân sinh viên của Đại học Ngoại thương", Hoàng Anh cho hay.

Nhiều học sinh lớp 12 khác cũng đang trong tình trạng tương tự như L và Hoàng Anh, học tập kém hiệu quả qua hình thức học online hoặc song song.

Rất xót con, thấy con thường kêu than về việc học online ngồi trước máy quá nhiều mỏi mắt, mệt mỏi, thậm chí thường xuyên rơi vào trạng thái "quay quay" như tiền đình nhưng chị Khánh Vân, phụ huynh của Hoàng Anh vẫn kiên trì khuyên nhủ và động viên con ôn tập.

"Tôi không kỳ vọng quá nhiều vào con khi kết quả học tập có phần giảm sút trong lúc dịch bệnh, con đang mắc Covid-19, chỉ mong con khỏe và không khủng hoảng tinh thần vì học tập", chị Vân cho biết.

Hỗ trợ cần thiết từ phụ huynh

Một hiệu trưởng trường THPT tại Nam Định bày tỏ với Dân Việt, thời gian qua, tại trường hình thức học được bố trí linh hoạt phù hợp với tình hình dịch bệnh.

"Nhà trường đã cố gắng hết sức khi nhiều giáo viên là F0, phải cử người thay thế. Số tiết học được đảm bảo. Thậm chí, giáo viên mắc Covid-19 vẫn phải dạy trực tuyến từ xa chứ không được nghỉ hẳn. Là lãnh đạo trường chúng tôi mong muốn chất lượng học tập được nâng lên, nhưng dịch bệnh đã kéo mọi thứ chậm một bước", vị hiệu trưởng này nói, ngoài sự cố gắng của các thấy cô thì việc học tập có hiệu quả hay không còn phụ thuộc phần lớn vào ý thức của học sinh, sự phối hợp với phụ huynh.

Trong cuộc tọa đàm "Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng Covid-19" vừa diễn ra, Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) cảm thấy trăn trở vì vẫn còn nhiều học sinh chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ gia đình, nhà trường khi vướng phải vấn đề rối loạn tâm lý, vốn xuất phát từ áp lực học tập thi cử hay không có cảm xúc trong học tập...

Ông Đảo nhận định, đã đến lúc các cơ sở giáo dục cần tìm cách để các em có thể thoát khỏi những khủng hoảng tâm lý: "Nếu những bậc cha mẹ, thầy cô không có sự quan tâm, nắm bắt kịp thời đôi khi sẽ trở thành những hệ lụy và hậu quả rất nghiêm trọng".