Token không thể thay thế hay NFT là đoạn mã gắn với quyền sở hữu một tài sản trên Internet hoặc ngoài đời thực. Theo nghiên cứu từ Binance, NFT được xem là cánh cửa giúp cho vũ trụ ảo (metaverse), một thế giới nơi người dùng tương tác với nhau trong không gian 3 chiều, có thể đi vào đời thật và được ứng dụng rộng rãi.
Tuy nhiên, thị trường NFT dù đã chạm vốn hóa hơn 41 tỷ USD tính đến hết năm 2021, theo con số từ Financial Times, vẫn tồn đọng nhiều rủi ro. Bên cạnh những vấn nạn về dự án thất bại hay lừa đảo nhà đầu tư, cộng đồng NFT cần nhìn nhận đến khía cạnh công nghệ dùng để lưu trữ chúng. Ngoài ra, pháp lý là yếu tố đang cản trở cơ hội được ứng dụng rộng rãi của NFT.
Về bản chất, NFT vẫn là một sản phẩm công nghệ và chịu sự ảnh hưởng bởi các máy tính vận hành chúng. Vì thế khi hệ thống lưu trữ NFT gặp phải sự cố, các tài sản gắn liền với loạt token này không thể trao đổi.
NFT có thể được lưu trữ một phần trên các mạng lưới blockchain (on-chain) hoặc lưu trữ trên các nền tảng đám mây (off-chain). Nếu đội ngũ sáng lập lựa chọn lưu trữ off-chain, một khi dự án không thể duy trì hoạt động, các cơ sở hạ tầng lưu trữ các sản phẩm gắn với NFT sẽ bị ngắt liên kết với NFT.
Theo Hashkey, hầu hết dự án metaverse hay NFT lớn như Sandbox, Axie Infinity đều được lưu trữ trên các nền tảng đám mây tập trung như Amazon S3. Nếu các hệ thống đám mây này tạm ngưng hoạt động, điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng blockchain.
Điều trên không phải là không có cơ sở. Đầu tháng 12/2021, sàn giao dịch phi tập trung dYdX đã ngừng hoạt động tạm thời khi nền tảng lưu trữ Amazon Web Service gặp sự cố. Người dùng dYdX không thể truy cập vào trang web trong thời gian diễn ra trục trặc kỹ thuật.
Sự kiện sàn giao dịch NFT OpenSea bị tấn công và khiến cho ít nhất 17 nhà sưu tập bị thiệt hại, theo thông tin chính thức từ OpenSea là lời cảnh báo cho các dự án.
Ngay cả mạng lưới blockchain lớn như Ethereum (ETH) cũng từng gặp phải những vấn đề tương tự. Sự kiện quỹ đầu tư The DAO bị hack năm 2016 của Ethereum gây thiệt hại khủng đến nhà đầu tư góp vốn. Thiệt hại được đánh giá lên đến 3,6 triệu đồng ETH (tương đương 11 tỷ USD tính đến hiện tại) và đã gây ra tranh cãi nảy lửa vào thời điểm đó.
Khi một mạng lưới vững chắc như Ethereum hay sàn giao dịch NFT lớn nhất thế giới cũng không tránh khỏi việc bị tấn công, các blockchain khác cũng nằm trong vòng nguy hiểm.
Nhiều dự án nghệ thuật nổi tiếng sử dụng công nghệ NFT trong việc định danh và sở hữu tranh, ảnh kỹ thuật số như Bored Ape Yacht Club (BAYC) đều xây dựng được cho mình một cộng đồng vững mạnh. Độ hiếm có và sự độc đáo vốn làm nên giá trị của một NFT được cộng hưởng nhờ vào yếu tố cộng đồng.
Người sở hữu các bức ảnh BAYC thường hay đăng tải và khoe chúng trên mạng xã hội. Ngày một nhiều ngôi sao, diễn viên, nhạc sĩ như Eminem, Paris Hilton mua và sở hữu các bức hình con vượn. Đây là điều khiến BAYC trở nên cuốn hút.
Theo Forbes, khi một sản phẩm NFT không thể xây dựng một cộng đồng vững mạnh gắn liền với thương hiệu token đó, sẽ không ai quan tâm đến chúng. NFT không chỉ là một bức tranh, ảnh mà còn là mối quan hệ với người quyết định mua sở hữu chúng và dự án.
Ngoài ra, dự án NFT cũng có điểm chung giống các công ty khởi nghiệp, tỷ lệ thất bại cao. Gary Vaynerchuk, CEO của VaynerMedia đồng thời là một người cuồng nhiệt với NFT từng chia sẻ với CNBC rằng 98% dự án sẽ thất bại.
Hiện nay, nhìn chung các chính phủ vẫn chưa có quy định cụ thể đối với lĩnh vực tiền mã hóa. NFT vẫn đang là thiên đường cho giới lừa đảo, không chỉ đối với các dự án kém tên tuổi. Sàn giao dịch OpenSea từng chia sẻ trên Twitter rằng 80% NFT được niêm yết và đúc thêm (mint) trên sàn của họ là đồ giả hoặc đạo nhái.
Alexei Falin, đồng sáng lập sàn giao dịch NFT Rarible nhận định blockchain vẫn còn thiếu nhiều mảnh ghép. “Một bộ khung pháp lý là điều có thể giúp thị trường tiền số phát triển, nhưng đây là một vấn đề nan giải”, ông Falin chia sẻ với The Verge.