Sau khi đại bại tại trận Di Lăng, Lưu Bị sinh bệnh nặng và qua đời tại thành Bạch Đế năm 223, trong bối cảnh sự nghiệp phục hưng Hán thất của Thục Hán vẫn còn dang dở. Lưu Thiện kế thừa ngôi vị của cha và được thừa tướng Gia Cát Lượng hết lòng phò tá.
Gia Cát Lượng bấy giờ vừa tận lực bình định nội loạn, ổn định triều chính Thục Hán, vừa nối lại quan hệ giao hảo với Đông Ngô. Sau một thời gian ổn định, Gia Cát Lượng đã đích thân tiến hành chiến dịch Bắc phạt để thực hiện di nguyện của Lưu Bị.
Đáng tiếc, vào năm 234, Gia Cát Lượng sinh bệnh nặng rồi qua đời tại gò Ngũ Trượng, sau nhiều lần Bắc phạt thất bại, cùng nhiều năm sức cùng lực kiệt, hao tâm tổn sức.
Trước khi qua đời, vị thừa tướng kỳ tài của Thục Hán đã bí mật để lại một vị tướng, người có thể ngăn chặn sự sụp đổ của Thục Hán. Nhưng Lưu Thiện lại không trọng dụng người này đúng lúc.
Vị tướng mà Gia Cát Lượng đã âm thầm để lại cho Thục Hán chính là Hoắc Dặc, con trai của Hoắc Tuấn, một trong những vị tướng từng theo Lưu Bị chiếm Ích Châu và lập được nhiều chiến công, trong đó có thể kể đến việc kiên cường phòng thủ ở ải Hà Manh.
Đáng tiếc, Hoắc Tuấn lại qua đời khi còn rất trẻ vào năm 216. Ông được an táng tại Thành Đô. Lưu Bị khi biết tin đã rất thương tiếc và đích thân đến viếng để tỏ lòng thành kính. Sau đó, Lưu Bị cũng thu nhận con trai của vị tướng này là Hoắc Dặc dưới trướng của mình.
Năm 223, Lưu Bị qua đời, Lưu Thiện lên ngôi hoàng đế và phong Hoắc Dặc làm Yết giả. Do có thời gian tiếp xúc và quen biết từ trước, Lưu Thiện bấy giờ coi Hoắc Dặc là người thân tín nên mới giao phó chức vụ này.
Đến năm 227, sau khi ổn định tình hình Thục Hán, Gia Cát Lượng bắt đầu chuẩn bị cho chiến dịch Bắc phạt để phục hưng Hán thất. Tuy nhiên, sau khi Lưu Bị đại bại ở trận Di Lăng (221 – 222), nhân tài của Thục Hán lại càng ít.
Theo Tam Quốc chí, khi thừa tướng Gia Cát Lượng đang đóng quân ở Hán Trung, nhận thấy tố chất của Hoắc Dặc, nên đã cho mời Hoắc Dặc đến làm Ký thất và cho ở cùng với con trai của ông là Gia Cát Kiều để tiến hành bồi dưỡng, cho học cách hành quân và rèn luyện kinh nghiệm thực chiến.
Sự sắp đặt này của Gia Cát Lượng có thể thấy việc ông đặt nhiều hy vọng vào Hoắc Dặc. Việc cho Hoắc Dặc ở cùng với con trai của mình trong môi trường doanh trại cũng cho thấy Gia Cát Lượng muốn bồi đắp cho Hoắc Dặc rèn luyện.
Không phụ sự bồi dưỡng của Gia Cát Lượng, trong chiến dịch Bắc phạt, Hoắc Dặc đã học hỏi được nhiều kiến thức quân sự và kinh nghiệm thực chiến.
Đến năm 234, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Hoắc Dặc được phong làm Hoàng môn thị lang. Sau đó, nhờ lập công đánh đuổi phản loạn, Hoắc Dặc được thăng làm Tham quân, Dực quân tướng quân, sau kiêm chức thái thú Kiến Ninh và quản việc Nam Quận.
Năm 263, tập đoàn Tào Ngụy sai hai tướng là Đặng Ngải và Chung Hội mang quân tới đánh Thục Hán. Sau khi hay tin, Hoắc Dặc nhận thấy có điều gì đó bất ổn. Bởi lần này Tào Ngụy chủ động xuất binh, hơn nữa số lượng cũng rất lớn.
Do đó, Hoắc Dặc vội viết thư cho Lưu Thiện và bày tỏ ý muốn trở về Thành Đô để hỗ trợ việc phòng thủ. Nhưng Lưu Thiện không nghe và từ chối đề nghị của Hoắc Dặc bởi đã có kế hoạch đầu hàng.
Cuối cùng, do Đặng Ngải dẫn đại quân Ngụy tiến quân theo đường núi Âm Bình, vượt qua Cảnh Cốc và đánh bại tướng Thục Hán là Gia Cát Chiêm (con trai của thừa tướng Gia Cát Lượng) rồi tiến thẳng vào Thành Đô, Lưu Thiện cuối cùng lựa chọn mở cổng thành để đầu hàng. Thục Hán từ đó cũng diệt vong.
Trên bối cảnh đại quân Ngụy tiến hành đánh úp Thành Đô, nếu Hoắc Dặc dẫn quân tới, với tài năng quân sự của mình, ông có thể ngăn chặn được quân địch do Đặng Ngải dẫn đầu. Sở dĩ Gia Cát Chiêm bị đánh bại và phải bỏ mạng là do Đặng Ngải đem quân đánh lén từ phía núi Âm Bình, vùng núi có địa hình hiểm trở và là nơi mà quân Thục không có sự phòng bị. Gia Cát Chiêm bỏ rơi lợi thế là những vị trí hiểm trở trọng yếu và chọn chiến đầu với quân của Đặng Ngải trên đồng bằng là một sai lầm lớn trong quân sự.
Trong khi đó, Hoắc Dặc với việc rất thông thạo về cách dụng binh, nếu đảm nhận nhiệm vụ ứng chiến với Đặng Ngải thì ông sẽ không bao giờ mắc phải sai lầm lớn như vậy. Bởi chỉ cần cầm chân được đại quân của Đặng Ngải ở vị trí trọng yếu, quân lương không đủ thì sau một thời gian tất sẽ giảm khả năng chiến đấu.
Như vậy, đại quân Ngụy sẽ không có cơ hội đánh ải Miên Trúc rồi tiến thẳng đến Thành Đô và Thục Hán cũng sẽ không diệt vong một cách nhanh chóng như vậy.
Vậy, câu hỏi đặt ra rằng tại sao khi Hoắc Dặc đề nghị đưa quân đến hỗ trợ phòng ngự để chống Ngụy, Lưu Thiện lại không đồng ý?
Hóa ra là do 2 nguyên nhân sau.
Thứ nhất, Lưu Thiện vô năng. Khi nghe tin quân Ngụy tiến đánh, Thục Hán cũng đã bày sẵn về kế sách tác chiến, nhưng sai lầm của Lưu Thiện là chọn nhầm người. Đó là Gia Cát Chiêm. Dù ông là con trai của Gia Cát Lượng, hơn nữa còn nổi tiếng về thư họa, hiểu biết rộng và thông minh, nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực chiến. Về mặt này thì Gia Cát Chiêm kém xa Hoắc Dặc.
Lưu Thiện chính vì không nhìn ra sự khác biệt về năng lực giữa Gia Cát Chiêm và Hoắc Dặc nên mới không đồng ý cho Hoắc Dặc đến Thành Đô. Điều này quả thực là sai lầm lớn.
Thứ hai, Lưu Thiện tin dùng hoạn quan.
Ở giai đoạn sau cuối của nhà Thục Hán, Hậu chủ Lưu Thiện tin dùng hoạn quan Hoàng Hạo, ham vui chơi và không quan tâm nhiều đến chính sự. Chính điều này đã góp phần dẫn tới sự diệt vong của nhà Thục Hán. Hơn nữa, Hoắc Dặc đang nắm binh quyền trong tay, nên Lưu Thiện cũng lo ngại vị tướng này có khả năng sẽ uy hiếp đến vị trí của mình.
Cùng với việc xem xét và so sánh các yếu tố khác, cuối cùng, Lưu Thiện vẫn cảm thấy Hoắc Dặc không nên tới Thành Đô phòng ngự. Đáng tiếc, Lưu Thiện không ngờ rằng chính vì quyết định sai lầm của mình mà Thục Hán nhanh chóng sụp đổ và bản thân ông cũng trở thành 'tù nhân' chịu sự quản thúc ngay trên đất Ngụy.