Dân Việt

Số phận bi thảm của cô chúa gốc Việt giả ở đất nước Trung Phi

Martine 17 tuổi chỉ là một cô gái bán thuốc lá trên phố Sài Gòn, cho đến khi cô sang châu Phi nhận bố, đi xe limousine.

Đó là cuối tháng 11/1970. Mang nửa dòng máu châu Phi với làn da đen và mái tóc xoăn, Martine biết rằng cha mình là một người lính tham gia quân đội Pháp ở Đông Dương thời kỳ 1946-1954.

Martine không phải đứa con duy nhất có bố là lính châu Phi ở Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện của cô có lẽ là đặc biệt nhất. Từ một cô gái bán hàng rong, Martine trở thành công chúa sau khi đoàn tụ với cha mình là Jean-Bedel Bokassa, hoàng đế tự xưng của Cộng hòa Trung Phi.

Số phận bi thảm của cô chúa gốc Việt giả ở đất nước Trung Phi - Ảnh 1.

Bokassa làm tổng thống Trung Phi sau đó tự xưng hoàng đế. Bên phải là bà Nguyễn Thị Huệ, người đã sinh cho ông cô con gái Martine. Ảnh: europe1.

Jean-Bedel Bokassa sinh ngày 22/2/1921, tham gia quân đội Pháp từ năm 18 tuổi. Bokassa tới Việt Nam năm 1953, làm quen và sống như vợ chồng với người phụ nữ tên Nguyễn Thị Huệ. Họ sinh ra một đứa con gái.

Sau trận Điện Biên Phủ, Bokassa chia tay vợ con, theo quân đội Pháp rời khỏi Việt Nam. Năm 1960, Cộng hòa Trung Phi giành độc lập. David Dacko, người họ hàng xa của Bokassa lên làm tổng thống và chỉ định Bokassa đứng đầu quân đội. Sáu năm sau, Bokassa đảo chính, trở thành tổng thống thứ hai của Cộng hòa Trung Phi.

Bokassa sớm bộc lộ rõ hai đam mê lớn nhất cuộc đời là phụ nữ và quyền lực. Ông được cho là có gần 20 vợ và 100 người con nhưng chỉ công nhận khoảng 50 hậu duệ. Ngoài bà Huệ, Bokassa kết hôn với một phụ nữ Việt khác tên Than, đến năm 1961 thì ly dị.

Sau một thời gian củng cố địa vị và tận hưởng lối sống xa hoa, Bokassa bắt đầu tự hỏi về gia đình ở Việt Nam. Năm 1970, ông liên hệ với chính quyền Sài Gòn và lãnh sự quán Pháp, nhờ tìm đứa con mất tích. Đặc điểm của cô gái này là sinh năm 1953 và có tên là Martine.

Cuộc tìm kiếm nhanh chóng ra cô gái 17 tuổi bán thuốc lá. Mẹ cô cũng khẳng định Bokassa là bố của con mình.

Nghe tin vui, Bokassa sung sướng, vội vã mua vé một chiều cho Martine đi Bangui, thủ đô Cộng hòa Trung Phi. Ông còn nhờ chính phủ Pháp gửi con gái 2.500 franc tiêu vặt. Cầm tiền, Martine mua một chiếc đồng hồ.

3h sáng ngày 26/11/1970, Martine tới Bangui, cha cô cùng các quan chức cấp cao đã chờ sẵn. Trong tiếng nhạc mừng, Bokassa ôm chặt con gái, nức nở.

Martine hơi bối rối vì chỉ biết nói tiếng Việt và không thể nhảy các điệu nhảy địa phương. Bokassa cố gắng giải thích cho con gái bằng tiếng Việt và giới thiệu cô với mẹ kế cùng các anh chị em khác trong gia đình.

Cuộc hội ngộ ấy đáng lẽ là kết thúc hoàn hảo cho một câu chuyện cổ tích. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau khi Martine đến Bangui, nhật báo Trắng Đen của Sài Gòn tiết lộ kết quả điều tra rằng Martine đang ở Trung Phi không phải Martine thật. Tờ báo này còn cho rằng chính phủ Pháp cố tình tìm nhầm người để khiến Bokassa xấu hổ.

Số phận bi thảm của cô chúa gốc Việt giả ở đất nước Trung Phi - Ảnh 2.

Bokassa đứng cạnh Martine giả. Ảnh: Guy Le Querrec/Magnum Photos.

Với sự hỗ trợ của một người bạn là nhà báo, bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của Martine thật, liên hệ với Bokassa qua điện thoại. Bà nhắc chồng về vết thương ở ngón tay út ông từng gặp phải do đi xe máy, đồng thời công khai ảnh chụp của mình với Bokassa và giấy khai sinh của Martine. Thực tế, thời điểm đó, Việt Nam có không ít đứa trẻ có bố là người châu Phi. Chưa kể, năm 1953, lúc Martine chào đời, Martine Carol rất nổi tiếng khiến nhiều người lấy tên ngôi sao này để đặt cho con.

Nhờ Nguyễn Thị Huệ xuất hiện, Martine thật, đang làm công nhân bốc vác, được đưa tới Bangui một cách yên lặng. Bokassa tống giam Martine giả, dự định trục xuất nhưng sau đó chính thức nhận nuôi cô gái này như hành động ân sủng nhân dịp sinh nhật lần thứ 50 năm 1971. Hai Martine được gọi là Martine lớn (con thật) và Martine nhỏ (con giả) để phân biệt.

Martine lớn và Martine bé cùng chung sống, thường được cha cho mặc đồ giống nhau. So với Martine bé, Martine lớn tỏ ra có khiếu kinh doanh, năm 1972 đã mở cửa hàng đồ ăn Việt ở Trung Phi và rất phát đạt.

Năm 1973, Bokassa cho cả hai con kết hôn. Martine nhỏ lấy Fidel Obrou, một đội trưởng sau này đứng đầu lực lượng bảo vệ Bokassa, còn Martine lớn cưới bác sĩ Jean-Bruno Dévéavode.

Số phận bi thảm của cô chúa gốc Việt giả ở đất nước Trung Phi - Ảnh 3.

Martine thật (trái) đón mẹ mình là bà Nguyễn Thị Huệ (phải) sang Pháp sống sau khi Bokassa qua đời. Ảnh: Jean-Barthélémy Bokassa.

Năm 1976, Bokassa tự xưng là hoàng đế, hai Martine nghiễm nhiên trở thành công chúa. Tuy nhiên, từ đây, họ đối mặt với những bước ngoặt không ngờ.

Bokassa ngày càng lập dị và tàn bạo khiến dân chúng bất mãn. Fidel Obrou, chồng của Martine nhỏ, cùng một số phụ tá lập âm mưu sát hại Bokassa nhưng không thành, kết quả bị xử tử. Vài tiếng sau khi chồng chết, Martine nhỏ hạ sinh một bé trai. Để trả thù con rể, Bokassa gửi mẹ con Martine nhỏ đến bệnh viện của Jean-Bruno Dévéavode. Em bé mới chào đời bị tiêm một mũi thuốc độc dẫn đến tử vong.

Bất chấp vụ việc trên, Bokassa vẫn coi Martine nhỏ là thành viên gia đình hoàng gia. Một năm sau, Bokassa tuyên bố cho con gái về thăm Việt Nam nhưng Martine nhỏ biến mất trên đường ra sân bay, có thể đã bị sát hại và chôn giấu bí mật dọc đường.

Năm 1979, Bokassa bị lật đổ, con cái ông phân tán khắp nơi trên thế giới. Năm 1996, vị cựu hoàng tự xưng qua đời.

Khi chế độ Bokassa sụp đổ, Martine lớn cùng các con chạy trốn sang Pháp. Jean-Barthélémy Bokassa, con trai đầu lòng của Martine lớn, hiện sống ở Paris. Lần gần nhất anh chia sẻ về gia đình là trong bài phỏng vấn năm 2014 với Paris Match. Jean-Barthélémy Bokassa tiết lộ mẹ mình đã mở hai quán ăn Việt Nam ở Pháp và cùng bà ngoại đầu tư vào một số tiệm kim hoàn, đồ gia dụng.

Số phận bi thảm của cô chúa gốc Việt giả ở đất nước Trung Phi - Ảnh 4.

Jean-Barthélémy Bokassa, con trai của Martine lớn, sống ở Paris. Ảnh: abonne.lunion.

"Mẹ làm việc chăm chỉ, chẳng bao giờ có ngày nghỉ", Jean-Barthélémy Bokassa tiết lộ.

Jean-Barthélémy Bokassa cũng nhớ có một lần Bokassa, lúc đó đang ngồi tù, viết thư gửi Martine lớn, ngoài phong bi ghi "gửi công chúa Martine Bokassa de Berengo". Khi người đưa thư tới nhà hỏi có công chúa nào ở đây không, Martine lớn cười đáp: "À, đó là thư của cha tôi đấy".