Ngày Quốc tế phụ nữ năm 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành .
Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 bắt đầu từ phong trào của nữ công nhân ngành Dệt nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX.
Thời điểm này, phong trào của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ nổi lên đòi quyền lợi cho mình.
Ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York.
Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Hoa Kỳ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi.
Ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc.
Sau đó, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909.
Tuy nhiên, đến ngày 8/3/1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ 2 (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức tại Thủ đô Đan Mạch, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ.
Bà Clara Zetkin - Chủ tịch Hội nghị, phụ nữ Đức, đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới.
Qua biểu quyết, Hội nghị quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: "Ngày làm việc 8 giờ", "Việc làm ngang nhau", "Bảo vệ bà mẹ và trẻ em".
Năm 1975, Liên hợp quốc bắt đầu kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Năm 1977, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã mời các quốc gia thành viên tuyên bố ngày 8/3 là Ngày của Liên Hợp quốc về quyền phụ nữ và hòa bình thế giới.
Từ đó trở đi, ngày 8/3 trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới.
Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Đối với dân tộc Việt Nam, ngày 8/3 không chỉ là kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ mà còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng – những nữ anh hùng dân tộc đã đấu tranh cho nền độc lập dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi nhà Hán xâm lược, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt vào mùa xuân năm 40.
Mặc dù nhân loại đã đi đến những văn minh tiến bộ vượt bậc, thế nhưng ở một số nơi trên thế giới, phụ nữ vẫn đang phải chịu thiệt thòi, vất vả, thậm chí là phải chịu đựng các tệ nạn xã hội như mại dâm, quấy rối, …
Ngay tại những nơi nam nữ bình đẳng nhất, cũng không thể tránh khỏi việc phụ nữ phải âm thầm hy sinh và chịu đựng để xây dựng hạnh phúc gia đình.
Vì vậy, trong 365 ngày, phụ nữ xứng đáng được có riêng một ngày để nhận được sự quan tâm và tôn trọng hơn từ nửa còn lại của thế giới, chia sẻ với họ những khó khăn trong công việc và gia đình.
Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại. Họ vừa là người nội trợ trong gia đình, hy sinh và "giữ lửa" cho tổ ấm.
Họ cũng vừa tham gia lao động và đóng góp cống hiến sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, từ nữ doanh nhân thành đạt đến các nữ nghệ sĩ, người truyền cảm hứng, …
Không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người.
Dưới sự đấu tranh không ngừng cho bình đẳng giới mà biểu tượng là ngày 8/3, phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ không còn là phái yếu như trước kia.