Trong khi nhiều tỉnh thành công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022 thì tại Hà Nội, nhiều học sinh, phụ huynh vẫn đang mong ngóng Sở GDĐT thông báo quyết định có thi môn thứ 4 hay không và đó là môn gì.
Trước đó, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, ngoài 3 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, các học sinh sẽ biết môn thi thứ 4 vào tháng 3 hàng năm. Theo ông Tiến, đây là quy định đã được duy trì trong những năm gần đây. Sốt ruột như... ngồi trên đống lửa là cảm xúc của nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên trong thời gian này.
Cô Trần Oanh, giáo viên dạy Văn, Trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội đưa ra đề xuất: "Mình chỉ mong cắt bớt môn thi thứ 4 cho học sinh đỡ khổ. Cắt luôn được môn tiếng Anh thì càng tốt để học sinh tập trung ôn thi thật chất lượng 2 môn Toán - Văn thôi".
Cô Oanh lý giải: "Bây giờ đã gần giữa tháng 3 và hiện tại quá 1/2 giáo viên và học sinh bị Covid-19 làm ảnh hưởng. Giáo viên dù bị F0 ho sốt vẫn gắng gượng giảng dạy vì thiếu người. Học sinh cả năm học online là chủ yếu, giờ thêm sức khỏe chưa thể hồi phục thì không thể học tốt được. Giáo dục chuyển trạng thái mới nhanh và phù hợp sẽ được đông đảo mọi người ủng hộ".
Theo cô Oanh, không quá lo lắng về thi 2 môn vì chỉ cần tổ chức thi nghiêm túc, chấm thi chuẩn, kết quả xét tuyển công bằng, tránh tiêu cực là đủ tuyển chọn được học sinh chất lượng vào lớp 10 năm 2022.
Ngoài ra, về phương diện phụ huynh, cô Oanh cho rằng, dịch bệnh kiệt quệ, công việc khó khăn, giờ nhiều phụ huynh còn lo chuyện học hành cho con thì... quả thật khổ chồng khổ.
Thời gian này, các nhà trường vẫn đang nỗ lực tận dụng thời gian vàng để tập trung vừa dạy, vừa ôn tập cho học sinh đạt hiệu quả cao nhất. Cô Ngô Thị Diệp Lan, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, quận Thanh Xuân cho hay: "Chúng tôi xác định thời gian học sinh học trực tiếp là thời gian vàng nên tận dụng tối đa để giúp các em ôn tập có kiến thức vững vàng để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới. Cụ thể, thời gian học trực tiếp được xếp vào buổi chiều và chúng tôi cố gắng sắp xếp các môn cố định thi vào lớp 10 là Toán, Văn, Tiếng Anh theo cách thức xếp 2 tiết liền, giáo viên được làm việc trên lớp liên tục trong một thời gian dài hơn, học hiệu quả hơn".
Cô Lan cũng bày tỏ mong muốn Sở GDĐT sớm công bố môn thứ 4 để học sinh, giáo viên yên tâm và có kế hoạch dạy và học phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh năm học này, việc dạy và học bị tác động rất lớn bởi dịch bệnh.
"Khi có thông báo môn thứ 4, chúng tôi sẽ tập trung vào các môn được chọn, giúp các con có chương trình ôn tập hiệu quả. Nhà trường đã đảm bảo chương trình của tất cả các môn học, dù có hay không có môn thứ 4 vẫn giúp học sinh đạt kết quả thi tốt nhất," cô Lan bày tỏ.
Liên quan đến môn thi thứ 4, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie Hà Nội cho biết: "Đến hôm nay Hà Nội vẫn chưa công bố lịch thi và môn thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023. Lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho biết giữ ổn định phương thức thi tuyển như năm trước là thi 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và môn thứ 4 là 1 trong 6 môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Tuy nhiên, lứa học sinh lớp 9 năm nay hứng trọn 3 năm học bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 (2019-2020, 2020-2021, 2021-2022). Phần lớn thời gian phải học online tại nhà nên chất lượng học tập rất hạn chế. Phụ huynh và học sinh lo lắng vô cùng. Các trường cũng không biết làm sao để đảm bảo chất lượng giảng dạy cho học sinh cuối cấp. Vì vậy, tâm lý của phụ huynh và học sinh muốn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay chỉ 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ, không phải thi thêm môn thứ 4".
Theo thầy Khang: "Các nhà quản lý giáo dục Thủ đô vì sợ giáo viên dạy lệch, học sinh học lệch nên bằng cách có thêm môn thứ 4 để các trường dạy và học đều cả 9 môn nói trên. Theo tôi, không đáng lo giáo viên dạy lệch, học sinh học lệch để tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 như trên. TP.HCM nhiều năm nay chỉ thi 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ. Họ không chống dạy lệch, học lệch bằng cách như Hà Nội. Tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm vẫn đảm bảo chất lượng.
Từ năm học 2022-2023 trở đi, học sinh lớp 10 bước vào giai đoạn "Giáo dục định hướng nghề nghiệp". Tính phổ thông toàn diện không được đặt ra. Học sinh chỉ bắt buộc học các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục Thể chất, Giáo dục Quốc phòng… không nhất thiết phải học cả 6 môn Sử, Địa, GDCD, Lý, Hoá, Sinh".
"Với những điều trên, tuyển sinh đầu vào lớp 10 THPT năm học tới trở đi 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ là hợp lý", thầy Khang nêu ý kiến.