Trao đổi với PV báo Dân Việt, bạn Dương Lê Na, sinh viên năm 2, chuyên ngành Luật, trường Đại học Quản Lý Nhà nước ở Moscow, Nga cho biết: "Khu vực nơi em ở hiện tại hoàn toàn bình thường nên cuộc sống và học tập, công việc của em chưa có gì thay đổi nhiều".
SWIFT là phương thức đặt lệnh chuyển khoản an toàn chính mà các ngân hàng dùng để yêu cầu thanh toán từ các tổ chức khác nhau. Được thành lập vào năm 1973 và có trụ sở tại Bỉ, SWIFT giúp thương mại quốc tế, thanh toán xuyên biên giới và chuyển tiền quốc tế trở nên dễ dàng hơn.
Việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT sẽ ảnh hưởng thế nào đến sinh hoạt của du học sinh Việt, Lê Na cho hay: "Thực tế, đa số du học sinh Việt chỉ tiêu dùng hàng trong nội địa nên việc Nga bị ngắt khỏi hệ thống SWIFT cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến chúng em.
Việc thanh toán bằng thẻ ngân hàng vẫn diễn ra bình thường tại Nga, ngoài việc có chút bất tiện vì phải dùng thẻ vật lý thay vì dùng Apple pay như em đã dùng trước đây. Và ngân hàng mà sinh viên thường xuyên sử dụng là Sberbank thì không bị ngắt khỏi SWIFT nên chúng em vẫn dùng bình thường".
Tuy nhiên, Lê Na cho biết, khó khăn lớn nhất tạm thời hiện nay của du học sinh là đồng Rúp mất giá nên vật giá có sự leo thang. "Lương thực, thực phẩm ở Nga có tăng giá nhẹ. Những mặt hàng phải nhập khẩu như đồ điện tử... thì có sự tăng giá khá mạnh. Apple pay không sử dụng được ở Nga. Facebook cũng bị chặn. Một số nhãn hàng thời trang đóng cửa hàng. Hãng hàng không Aeroflot tạm dừng tất cả các chuyến bay hàng không quốc tế.
"Tâm lý của chúng em hiện tại vẫn ổn nhưng mong cho cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine sắp tới sẽ diễn ra tốt đẹp, đạt được thoả thuận của 2 bên để chiến sự có thể được chấm dứt và mọi người có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Đặc biệt là người Việt tại Ukraine nói riêng và người dân Ukraine nói chung", Lê Na bày tỏ.
Theo chia sẻ, trường Đại học Quản Lý Nhà nước nơi Lê Na theo học có rất đông du học sinh người Việt. "Cộng đồng du học sinh Việt tại Nga kết nối với nhau rất tốt. Các bạn hoạt động kết nối nhộn nhịp trên mạng trong nhiều vấn đề lớn như chống Covid-19 hay hỗ trợ đồng bào Việt tại Ukraine. Cộng đồng luôn nỗ lực tối đa vì 2 chữ Việt Nam. Hiện nay có nhiều nhóm tình nguyện, hỗ trợ người tị nạn Ukraine tại Nga", nữ sinh ngành Luật chia sẻ.
Bạn Nguyễn Hồng Nga, du học tại Nga từ năm 2019, hiện đang học thạc sĩ năm cuối khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Quốc gia Moskva cho hay: "Hiện tại tình hình chiến sự đang diễn ra căng thẳng, ngày 7/3 Nga và Ukraine đã bước vào cuộc đàm phán thứ 3 nhưng vẫn chưa đưa ra được tiếng nói chung. Người dân ở Ukraine đang thực hiện các cuộc di tản ra khỏi thủ đô Kiev hướng về hướng Ba Lan sang Đức tránh nạn. Quốc phòng Nga đã tạm ngừng bắn để cho người dân di tản.
Người dân Moscow vẫn có cuộc sống chưa bị ảnh hưởng của bom đạn, nhưng lại bị ảnh hưởng trực tiếp từ cấm vận như đồng USD tăng, Rúp mất giá, giá thực phẩm leo thang. Mọi người đang tăng cường đi trữ lương thực như sữa với bánh mì, thuốc để phòng trường hợp xấu xảy ra".
Anh Trịnh Thừa Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội) một cựu du học sinh Việt tại Nga cho biết, mặc dù đời sống sinh viên ở Nga chưa ảnh hưởng nhiều nhưng anh cũng luôn sát sao tình hình xung đột chiến sự cũng như cập nhật thông tin về em trai đang theo học tại Đại học Bách khoa Saint Petersburg.
"Về việc chuyển tiền sang Nga có chút ảnh hưởng vì sẽ có những ngân hàng bị cấm, có ngân hàng không nhưng tôi nghĩ việc này sẽ sớm được giải quyết", anh Thiên cho hay.
Theo Cục hợp tác Quốc tế, Bộ GDĐT, trong 5 năm trở lại đây, chỉ tiêu học bổng Chính phủ Liên bang Nga cấp cho Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam và Liên bang Nga luôn tăng theo từng năm với nhiều ngành học và bậc học khác nhau từ thực tập sinh, cử nhân, thạc sĩ cho tới tiến sĩ (958 chỉ tiêu năm 2018, 965 chỉ tiêu năm 2019 và 2020, 1.000 chỉ tiêu năm 2021).
Hiện có khoảng trên 5.000 du học sinh tại Liên bang Nga, trong đó có gần 3.500 em là diện có học bổng, diện Hiệp định do Bộ GDĐT quản lý hoặc của các Bộ ngành khác.
Trước tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary phối hợp với Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary cùng Hội sinh viên Việt Nam hỗ trợ người dân tại các ga tàu như Keleti, Nyugati ở Budapest.
Theo chia sẻ của Hội sinh viên Việt Nam tại Hungary, tại các nhà ga chính, các tình nguyện viên cầm biển hiệu và cờ đỏ sao vàng để sẵn sàng hỗ trợ đồng bào từ Ukraine sang. Các tình nguyện viên hỗ trợ phiên dịch, thăm hỏi, trấn an, giúp người dân tìm chỗ ở và mua vé tàu nếu muốn đến các nước châu Âu khác.