Cuối tuần vừa qua, Thu Hoài (Sóc Sơn- Hà Nội) không khỏi tiếc nuối khi từ chối lời mời đi xem phim cùng bạn bè.
"Hôm trước, bạn mình có rủ xuống Hà Nội để xem phim. Vì nhà mình ở ngoại thành, cách trung tâm thành phố khoảng 40km nên mình đã từ chối. Do là sinh viên có vé giảm giá khi xem phim ở rạp CGV, giá vé chỉ 40-50 nghìn thôi. Nhưng nếu mình đi chơi như thế, tiền vé ko đắt bằng tiền xăng mình phải bỏ ra", Hoài chia sẻ.
Hoài cho biết, chi phí đi lại tăng cao đã ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn khá nhiều. "Với cá nhân mình, mình làm công việc part-time, dạy gia sư tại nhà. Dạo này giá xăng tăng cao, mình đi gia sư một buổi cũng không được bao nhiêu tiền. Nếu mình đổ xăng đầy bình mỗi lần đổ xăng phải hơn mọi khi vài chục nghìn, rất tốn kém nên mình phải đi xe điện thay vì đi xe máy để tiết kiệm xăng".
Từ một người thường xuyên đi cafe, tụ tập bạn bè, giờ đây Hoài dành phần lớn thời gian ở nhà. Từ lúc giá xăng tăng, Hoài hạn chế ra khỏi nhà, bạn bè rủ đi chơi, ăn uống hầu như đều từ chối. Những cuộc hẹn cứ thế thưa dần.
"Nhiều lúc mình muốn đi mua một vài cái bút, một vài quyển vở mình cũng lười đi ra ngoài nên mình order trên shopee để giảm chi phí đi lại", Hoài nói.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng nhiều lần và liên tục lập đỉnh đã gây ảnh hưởng lên nhiều mặt đời sống. Để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu, nhiều người trẻ chọn cách tự thay đổi lối sống sinh hoạt của mình. Họ ở nhà nhiều hơn, giảm tần suất đi chơi và hạn chế ăn uống bên ngoài.
Anh Tưởng (31 tuổi, Hoài Đức - Hà Nội) cũng hạn chế việc đi lại với tình hình giá xăng dầu hiện nay. Anh thừa nhận chi phí đi lại tăng cao đã ảnh hưởng thói quen chi tiêu thường ngày của anh.
Do nơi sinh sống nằm ở xa khu vực trung tâm Hà Nội, anh Tưởng phải di chuyển quãng đường 15km để đến công ty. Như vậy, quãng đường cả đi lẫn về của anh ít nhất là 30km mỗi ngày. Cứ khoảng 4 ngày anh lại đổ xăng một lần.
Tuy nhiên, giá xăng tăng liên tục khiến anh phải điều chỉnh lại tuần suất di chuyển của mình. Anh không muốn chi tiêu tiền triệu mỗi tháng cho xăng xe, thay vì chỉ 300.000- 400.000 đồng như trước.
Gần đây, thay vì đi xe máy đến công ty, anh chọn phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện để đi làm. Thỉnh thoảng, anh đi chung xe với đồng nghiệp để tiết kiệm tiền xăng. Anh chủ động từ chối nhiều cuộc hẹn, ăn uống với bạn bè và chăm chỉ nấu nướng ở nhà hơn. Anh nghĩ, giải pháp này sẽ tiết kiệm hơn so với việc chi tiền đổ đầy bình xăng.
Xăng tăng, số tiền dành cho đổ xăng cho hoạt động đi lại tốn kém hơn, ảnh hưởng mức thu nhập và các khoản chi tiêu của anh Tưởng nữa. Anh tâm sự: "Nhà cô bạn gái cách nhà mình khá xa, hơn 40km. Trước kia, mình hay đi xe máy lên rồi đưa bạn gái đi chơi, hóng gió. Tuy nhiên, dạo gần đây xăng tăng nên mình chuyển sang phương tiện giao thông xe bus. Mình nghĩ đó là cách giảm chi phí đi lại nhưng làm giảm bớt thời gian gặp gỡ giữa mình và người yêu".
"Mong nhà nước, ban ngành nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thuế để giá xăng trong nước bình ổn như trước kia, người dân được tiếp cận với giá xăng rẻ hơn, chi phí đi lại không cao như bây giờ nữa", anh chia sẻ.
Cũng như bao người dân, bạn Xinh (SV năm cuối của ĐH Mở) thở dài khi đọc được tin giá xăng tiếp tục tăng. "Ngày trước mình thường đổ 100.000 đồng cho mỗi lần đổ xăng, gần đây mình phải đổ 150.000 đồng để được đầy bình", Xinh chia sẻ.
Do gia đình sống ở ngoại thành Hà Nội, nữ sinh viên năm tư cho biết cô phải di chuyển 30km để đến trường. Như vậy, quãng đường cả đi lẫn về của cô ít nhất là 60 km mỗi ngày. Khi biết được thông tin giá xăng tăng, bạn đã chọn đi xe bus đến trường để tiết kiệm chi phí đi lại.
"Mặc dù, đi xe bus có những bất tiện nhưng mình nghĩ nó sẽ tốt hơn là việc trả nhiều tiền cho việc đi xe máy", Xinh tâm sự.
Giá xăng tăng nên cô từ chối lời mời đi chơi, đi ăn với bạn bè và hạn chế đi lại nhiều hơn. Ngoài ra, thay vì lái xe máy 7-9 km tới các thị trấn để gặp gỡ và ăn uống với bạn bè, bạn sử dụng hình thức online, gọi điện gặp gỡ bạn bè.