Những ngày này, đa số các phụ huynh có con đang học lớp 9 như "ngồi trên lửa" chờ môn thi thứ 4 vào lớp 10 ở Hà Nội. Mỗi ngày qua đi, thời điểm "chốt" phương án tuyển sinh càng đến gần nhưng cũng đồng thời cả thủ đô ghi nhận thêm hàng chục nghìn ca mắc Covid-19 mới.
Con số mắc giờ nhiều đến mức người ta như cảm thấy điều đó là bình thường, một sự "bình thường" đến "quá bất thường" nếu so với những thời điểm thành phố chỉ ghi nhận vài chục đến trăm ca mỗi ngày. Nhưng trong chính mỗi gia đình, mỗi phụ huynh và học sinh đang phải đối mặt với một kỳ thi chuyển cấp quan trọng thì đó là những rủi ro "rình rập" ngày càng tăng.
Thời điểm này, có thể nói, bất cứ trường THCS nào ở Hà Nội cũng đang phải đối mặt với sự khủng hoảng về đội ngũ giáo viên. Điển hình như trường THCS Chu Văn An (quận Long Biên, Hà Nội), khoảng một nửa giáo viên trong tổng số gần 100 giáo viên là F0, 500/2.500 học sinh cũng là F0 (chiếm 20%); Trường THCS Mỹ Đình 2 có 24 giáo viên là F0 (chiếm 60%); trường THCS Giảng Võ có hơn 40 thầy cô F0 (chiếm khoảng 50%)…
Thiếu giáo viên nên ngay cả khi giáo viên bị F0 cũng vẫn phải dạy học online. Khi giáo viên có kết quả xét nghiệm âm tính thì đến trường dạy trực tiếp nhưng cũng không phải lúc nào cũng hoàn thành tiết dạy tốt. Hệ lụy hậu Covid-19 không chỉ là vấn đề lớn của Việt Nam mà cả trên thế giới vẫn đang phải đối mặt cũng như đang tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ. Dù đã rất nỗ lực, cố gắng, nhưng Ban giám hiệu các trường này đều phải thừa nhận vấn đề sức khỏe đã ảnh hưởng tới việc giảng dạy của giáo viên sau khi mắc Covid-19.
Nhiều dẫn chứng dễ nhận ra đó là thầy cô là F0, sức khỏe không tốt, giờ học đó phải nghỉ. Thầy cô nghỉ thì học sinh dù đến trường nhưng vẫn dạy online. Ngoài ra, cũng có lớp học trong tình trạng một nửa học online, một nửa học trực tiếp khiến cho việc tổ chức dạy học không đảm bảo chất lượng. Thời gian có hạn, giáo viên mất thời gian trong việc kết nối..., rồi giáo viên phải tăng thêm tiết dạy cho đồng nghiệp đang bị F0…
Trở lại môn thi thứ 4 vào lớp 10 Hà Nội, đây là thời điểm mà học sinh và phụ huynh gia tăng bất an với mỗi ngày qua đi. Hàng loạt sự lo lắng dồn dập ập đến như: Biết bao giờ dịch mới giảm? Liệu học sinh có đủ sức khỏe để học tập từ giờ đến lúc thi? Việc học môn 3 môn Toán – Văn – Ngoại ngữ như hiện nay cũng đã phải điêu đứng suốt hơn một học kỳ qua, nếu môn thi thứ 4 được công bố lại là môn học mà giáo viên đang dạy của trường bị ảnh hưởng bởi Covid thì sẽ phải làm sao….
Nhà trường và các thầy cô đã nỗ lực hết sức để cố gắng kéo học sinh về gần mình hơn, để mong các em được truyền đạt kiến thực trực tiếp một cách tốt nhất là điều chúng ta cùng nhìn thấy. Thế nhưng, nỗ lực và hiệu quả đạt được thì còn phụ thuộc thêm bởi những yếu tố khác.
Cho đến thời điểm này, Hà Nội chưa đến đỉnh dịch mà đã hàng chục nghìn ca mắc mỗi ngày, liên tục đứng đầu cả nước. Và không chỉ người dân, mà cả lãnh đạo ngành y tế Thủ đô cũng như chuyên gia y tế đều vẫn còn nghi ngờ về con số mắc mới được công bố là chưa hoàn toàn đầy đủ.
Như vậy, liệu có thực sự công bằng khi "chốt" môn thi thứ 4 mà ở trường lớp này, giáo viên dạy môn học này có phần thuận lợi hơn những trường lớp khác, giáo viên khác. Kỳ thi là dành cho học sinh lớp 9 của cả thành phố, và khi có kết quả điểm thi, nếu không đươc như kỳ vọng, liệu chúng ta có được "lạnh lùng" mà nhận xét rằng là do năng lực giáo viên hay khả năng tiếp thu hạn chế của học sinh…
Có người ví von chờ công bố môn thi thứ 4 có khác nào "chơi xổ số". Nếu quay vào ô "may mắn" thì có thể coi là học sinh đã có sở trường ở môn học đó và giáo viên của trường đang vẫn đảm bảo sức khỏe để có được tiết dạy chất lượng. Nếu quay vào ô "đen đủi", coi như học sinh bị lệch tủ và giáo viên lại đang nằm trong đội ngũ bị F0; hoặc là đến thời điểm nước rút thì thầy cô hoặc học sinh gặp vấn đề về sức khỏe, thậm chí là cả hai…
Đó là chưa kể những ảnh hưởng về tâm lý của học sinh khi suốt nhiều tháng phải học online và đang từng bước trở lại với trường học. Bản thân người viết bài này cũng rất ủng hộ thêm môn thi thứ 4 như mọi năm để tránh việc học sinh học lệch, chỉ chú trọng các môn thi được công bố trước. Tuy nhiên, với việc quay lại lớp, việc dạy học còn nhiều bất cập trong khi dịch thì chưa kiểm soát tốt, rất mong những người "cầm cân nảy mực" ngành giáo dục Thủ đô thực sự cân nhắc một cách kỹ lưỡng đến quyết định "chốt" 3 hay 4 môn thi vào lớp 10!
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả