Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank cho biết nghịch lý rất nhiều người Việt đang sử dụng thẻ quốc tế chứ không phải các loại thẻ của Việt Nam cho các mục đích tiêu dùng trong nước. Đáng nói là khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế, người dùng sẽ phải trả những chi phí rất lớn cho thẻ tín dụng quốc tế.
"Các tổ chức thẻ quốc tế có rất nhiều cách thu phí, mà chúng tôi hay gọi là ma trận, phí chồng phí. Không chỉ người dùng mà ngân hàng Việt Nam cũng đang phải trả rất nhiều chi phí cho các tổ chức thẻ quốc tế", ông Khoa nói.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong giai đoạn 5 năm qua, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.
Đến cuối năm 2021 có 12/46 tổ chức phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019). Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đạt trên 475 nghìn thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019).
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, trung bình mỗi năm, Visa và Mastercard thu từ một Ngân hàng Việt Nam khoảng 270 đầu phí các loại/1 tổ chức thẻ quốc tế, với tổng giá trị mỗi tổ chức thẻ quốc tế thu của các ngân hàng Việt Nam lên tới hàng trăm triệu USD/năm.
Cụ thể, Visa thu 270 đầu phí các loại, trong đó thu mảng thanh toán là 102 đầu phí, thu từ mảng phát hành 135 đầu phí và thu khác là 33 đầu phí.
Trong khi đó, Mastercard thu 268 đầu phí các loại, trong đó thu mảng thanh toán là 54 đầu phí, thu mảng phát hành 72 đầu phí và thu khác lên tới 142 đầu phí.
Ví dụ, hiện nay chủ thẻ tín dụng quốc tế mang thương hiệu Visa, MasterCard cà thẻ để thanh toán, cửa hàng chấp nhận thanh toán phải trả phí tương ứng khoảng 2-2,5% giá trị giao dịch cho ngân hàng đặt máy POS.
Khoản phí này ngân hàng đặt máy POS chỉ được hưởng một phần rất nhỏ, phần còn lại trả một phần cho ngân hàng phát hành thẻ và trả phần nhiều cho Visa, MasterCard.
Trong khi đó, khách hàng dùng thẻ tín dụng nội địa khi thanh toán chỉ phải trả phí tương ứng khoảng 1% giá trị giao dịch. Ngoài ra, các ngân hàng đang áp dụng miễn phí rất nhiều phí dịch vụ thẻ như: phí thường niên, phí tin nhắn…
"Làm thế nào để các chủ thẻ sử dụng các loại thẻ nội địa. Đó là bài toán mà chúng ta sẽ phải giải.?", Phạm Đăng Khoa đặt vấn đề.
Để giải quyết bài toán này, bà Trần Thị An Dung - Giám đốc vùng tại Hà Nội của Ngân hàng Á Châu (ACB) chia sẻ kinh nghiệm phát triển thẻ tín dụng nội địa của ACB gói gọn trong 3 vấn đề chính: sản phẩm phù hợp; đối tác khách hàng phù hợp; "đóng gói" sản phẩm phù hợp. Nhờ đó, từ 2017 đến 2021, doanh số giao dịch thẻ tín dụng nội địa tại ACB có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân khoản 80%/năm.
Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa cũng là cách mà Agribank đang hướng đến. Từ đầu năm 2022, Agribank đã chính thức triển khai sản phẩm thẻ tín dụng nội địa "Lộc Việt", Phó Tổng giám đốc Tô Đình Tơn kỳ vọng, với tệp khách hàng gần 27 triệu hộ gia đình, trong đó có khoảng 5 triệu hộ đang có quan hệ vay vốn tại các chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank và khoảng 2,5 triệu sinh viên toàn quốc. Đây được coi là nền tảng vững chắc và lợi thế riêng có để Agribank đẩy mạnh phát hành thẻ Lộc Việt. Mục tiêu của ngân hàng trong năm 2022 là phát hành tối thiểu mỗi hộ gia đình 1 thẻ Lộc Việt.
NAPAS đã chính thức triển khai thẻ tín dụng nội địa từ tháng 1/2021 với sự tham gia của 7 Ngân hàng gồm: Agribank, Vietinbank, ACB, Sacombank, HDBank, Bảo Việt Bank, VietBank, Vietcapital Bank và VietCredit.
Còn tại VietinBank để gia tăng khách hàng sử dụng thẻ nội địa, ngân hàng đã gỡ bỏ toàn bộ chi phí cho khách hàng. "Đây là một trong những áp lực rất lớn về mặt kinh doanh. Tuy nhiên, việc phát triển những dòng thẻ nội địa, thì thấy rằng chi phí tiết giảm rất nhiều so với dùng thẻ của các tổ chức thẻ quốc tế. Bên cạnh đó, để phát triển hạ tầng thanh toán bền vững, lâu dài, tăng tiện ích cho khách hàng, chúng tôi cũng chấp nhận đầu tư", ông Khoa cho hay.
Theo nhận định của ông Khoa, không chỉ vượt trội hơn về chi phí, việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa cũng mang lại sự ổn định hơn so với thẻ quốc tế, bởi khi hợp tác với các công ty nước ngoài thì các ngân hàng phải thực hiện rất nhiều kết nối, mà không phải lúc nào chất lượng kết nối cũng ở mức độ tối ưu. "Động lực phát triển của chúng tôi là thẻ quốc tế làm được cái gì thì thẻ tín dụng Việt Nam cũng làm được cái đó. Từ công nghệ mới lạ đến thiết kế sành điệu", ông Khoa cho biết.