Ngày 11/3, UBND TP Hà Nội đồng ý với phương án tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên năm 2022 theo phương thức thi tuyển với 3 bài thi độc lập của Sở GDĐT là Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ. Thông tin này nhận được đồng tình của hàng loạt giáo viên, phụ huynh và học sinh. Mọi người như trút được gánh nặng nghìn cân trên vai.
Em Hồ Ngọc Minh, học sinh lớp 9G, Trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bày tỏ: "Do học online nên em khá lo lắng vì chất lượng không tốt bằng trực tiếp. Năm lớp 9 ôn tập rất nhiều, bỏ môn thi thứ 4 để giảm bớt căng thẳng cho học sinh là hợp lý".
Cùng chung quan điểm, em Nguyễn Văn Sang, học sinh lớp 9, Trường THCS Đông La, huyện Hoài Đức, cho hay: "Quyết định bỏ môn thi thứ 4 là đúng nguyện vọng của chúng em vì đỡ gây áp lực. Em rất vui trước quyết định này của Thành phố và Sở GDĐT Hà Nội. Từ đầu năm học đến giờ chúng em chỉ mới học offline được 2 tuần thì đã phải trở lại học online. Học sinh và thầy cô thì F0, F1 liên tục, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học".
Không chỉ học sinh vui mừng mà phụ huynh cũng thể hiện rõ tâm trạng phấn khởi. Chị Nguyễn Phương Liên, phụ huynh có con học lớp 9 quận Đống Đa chia sẻ: "Thi vào lớp 10 với 3 môn sẽ đỡ vất vả cho các con và bố mẹ thì đỡ một phần lo lắng. Suốt 3 năm học qua, các con đã học online nhiều ngày nên lượng kiến thức thu được không đảm bảo. Chưa nói đến việc dịch bệnh đang lên đỉnh điểm, sức khỏe của nhiều em rất yếu. Con tôi cũng vừa trải qua một trận sốt cao. Bây giờ con vừa học vừa ho khiến tôi vô cùng lo lắng".
Tuy nhiên, cũng có phụ huynh bày tỏ tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Anh Trương Minh Đức, phụ huynh ở quận Tây Hồ cho hay: "Không biết giờ nên buồn hay vui. Với những bạn đuối Toán và Tiếng Anh như con tôi, môn thi thứ 4 quả thật là phao cứu điểm. Thực tế những năm qua, môn thi thứ 4 không nặng về kiến thức. Nhưng thôi, trong tình hình dịch như thế này, việc bỏ 1 môn thi cũng là điều đáng mừng".
Một số phụ huynh khác cũng đồng tình rằng, thi 3 môn đỡ áp lực nhưng kỳ thi năm nay sẽ không có môn để gỡ điểm.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Đinh Thị Kim Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: "Các trường rất mừng cho học sinh. Học sinh lớp 9 năm nay trải qua 3 năm học online và cả năm cuối cấp này chỉ được ít ngày đến trường. Việc giảm 1 môn thi khiến thầy cô, phụ huynh và học sinh phấn khởi".
Theo cô Thu, từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh được học trực tiếp 3 tuần nhưng sau đó phường Phố Huế ở cấp độ 3 nên học sinh lại quay về học trực tuyến. Do vậy, giáo viên chỉ triển khai học tập, kiểm tra đầy đủ, đúng kế hoạch tuy nhiên không kèm cặp, sát sao hay củng cố được nhiều kiến thức cho học sinh. Được biết, năm học 2021-2022, Trường THCS Đoàn Kết có 5 lớp 9 với 155 học sinh.
Cô Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy bày tỏ: "Trường tôi là 1 trong 94,5% các trường đồng ý với phương án tổ chức thi 3 môn. Quyết định của Thành phố và Sở khiến giáo viên, học sinh và phụ huynh nhà trường rất vui khi nhận được thông tin này. Cũng như các quận huyện khác, việc đi học trực tiếp thời gian qua không đảm bảo vì học sinh F0, F1 nhiều khiến các em phải liên tục đổi hình thức học online-ofline".
Tuy nhiên, cô Hảo chia sẻ thêm, học sinh lớp 9 rất lo lắng cho kỳ thi nên cố gắng đi học đầy đủ. Số lượng F0 trong mấy ngày qua cũng giảm nhiều, chỉ khoảng 10 học sinh là F0 mỗi ngày trên hơn 2.000 học sinh toàn trường. Cô Hảo hi vọng dịch Covid-19 sớm được kiểm soát để học sinh ôn tập và bước vào kỳ thi với sự chuẩn bị kiến thức, sức khỏe tốt nhất.
Trước băn khoăn về việc tuyển sinh 3 môn hay 4 môn đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường THPT hơn, cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm cho biết: "Trong tình hình dịch bệnh thì tuyển sinh 3 môn là hợp lý, linh hoạt. Với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là 3 môn bắt buộc nên vô cùng thuận lợi. Bây giờ học sinh chỉ cần ôn tập theo đúng nội dung. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ".
Cô Quỳnh tiết lộ thêm, hiện tại trường chưa có kế hoạch tuyển sinh lớp 10 cho năm học mới. Năm ngoái, Trường THPT Việt Đức tuyển sinh 17 lớp với 765 học sinh, trong đó có 1 lớp tiếng Pháp, 1 lớp tiếng Đức, 1 lớp tiếng Nhật và 14 lớp tiếng Anh.
Trước đó, chia sẻ về lý do chọn phương án thi 3 môn, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, về cơ bản các trường THCS trên địa bàn thành phố đã hoàn thành công tác giảng dạy đối với học sinh lớp 9. Hầu hết các thầy cô hiệu trưởng trường THPT, trưởng phòng GDĐT quận, huyện, thị xã và hiệu trưởng trường THCS đều đề xuất phương án tổ chức thi 3 môn Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ.
Sở GDĐT đã tổ chức lấy ý kiến của 422 trường THPT, phòng GDĐT, trường THCS thì có 399 ý kiến đồng ý với phương án tổ chức thi 3 môn, chiếm tỉ lệ 94,5%. Thực tế tình hình dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, học sinh lớp 9 THCS chuẩn bị kỳ thi chuyển cấp đã phải học trực tuyến hầu hết thời gian trong năm học. Vì vậy, tổ chức thi tuyển 3 môn nằm "tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh" theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Năm học 2021-2022, dự kiến toàn thành phố có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020-2021). Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, khoảng 60% số học sinh tuyển vào trường THPT công lập, 21% số học sinh tuyển vào trường THPT tư thục, 10% số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và khoảng 9% số học sinh tham gia học nghề.