Mới đây, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố đã chia sẻ tiến độ của dự án đường vành đai 3. Hiện tại, báo cáo tiền khả thi dự án đã được Hội đồng thẩm định nhà nước và Chính phủ thông qua các nội dung để chuẩn bị trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2022.
Theo đó, vành đai 3 giai đoạn 1 dài hơn 76km có tổng vốn đầu tư 75.377 tỷ đồng, thực hiện bằng vốn ngân sách trung ương và địa phương. Dự án sẽ đầu tư tuyến chính cao tốc quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h. Đường song hành được làm từ 2 đến 3 làn xe, bố trí không liên tục tùy theo nhu cầu phát triển đô thị hai bên.
Trong đó, dự án đường vành đai 3 TP.HCM giai đoạn 1 dài hơn 76km sẽ có gần 13km đoạn ở TP.Thủ Đức đi trên cao.
Cụ thể, đường vành đai 3 giai đoạn 1 dài hơn 76km sẽ có gần 13km (đoạn từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Tân Vạn thuộc TP.Thủ Đức) đi trên cao. Các đoạn đi dưới thấp gồm đoạn đầu tuyến giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành đến đường tỉnh 25B, đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22 - Bến Lức.
Ông Lương Minh Phúc cho biết dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô hoàn chỉnh từ 63 đến 74,5m, riêng một đoạn gần nút giao Tân Vạn (TP.Thủ Đức) rộng 120m.
Phương án giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh sẽ quản lý được quỹ đất để đầu tư tăng làn xe theo quy hoạch. Mặt khác, kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư thấp hơn do giá đền bù để thu hồi đất ngày càng tăng.
"Để đẩy nhanh tiến độ, các địa phương đã kiến nghị sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, các địa phương kiến nghị tách dự án thành 8 dự án thành phần để các địa phương thực hiện. TP.HCM vẫn là cơ quan điều phối chung để đảm bảo nối kết toàn bộ dự án", ông Phúc cho hay.
Về mốc tiến độ, sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 5-2022, dự án sẽ khởi công năm 2023, thông xe năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026. Do thời gian cấp bách, tờ trình cũng kiến nghị được áp dụng các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ.
Cụ thể, thống nhất tỉ lệ vốn trung ương và ngân sách địa phương, tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương. Dự án sau khi hoàn thành sẽ được tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn cho ngân sách.
Tờ trình cũng kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gói thầu xây lắp để thực hiện dự án.