Dân Việt

Chuyển động Nhà nông 12/3: Người trồng điều Bình Phước đứng ngồi không yên vì điều mất mùa, rớt giá

THDV 12/03/2022 16:00 GMT+7
Điều rớt giá, mất mùa không chỉ các hộ dân trồng mà doanh nghiệp cũng vô cùng lo lắng. Đây là thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 12/3.

Người trồng điều Bình Phước đứng ngồi không yên vì điều mất mùa, rớt giá

Tại huyện biên giới Bù Gia Mập, địa bàn có diện tích điều lớn của tỉnh Bình Phước, nhiều hộ dân đang tất bật thu hoạch điều đầu vụ. Tuy nhiên, mưa liên tục, xuất hiện sương mù, sâu bệnh gây hại khiến người trồng điều thấp thỏm. Hầu hết đều đứng ngồi không yên bởi hạt điều tươi đang bị rớt giá kỷ lục. Mưa trái mùa liên tục cũng khiến năng suất điều giảm mạnh.Hiện giá điều đang ở mức thấp nhất so với mọi năm. Nếu năm ngoái điều ổn định ở mức 29.000-30.000 đồng/kg thì năm nay giá điều chỉ còn 26.000 đồng/kg. Thủ phủ điều Bình Phước lúc cao điểm có hơn 200.000 ha điều, hiện còn 141.595 ha, sản lượng hạt điều thô hơn 200.000 tấn/năm. Cây điều đang là cây trồng chủ lực tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đốp...Điều rớt giá, mất mùa không chỉ các hộ dân trồng mà doanh nghiệp cũng vô cùng lo lắng.

Cherry ngoại ồ ạt vào TP HCM với giá rẻ

Ngoài cherry Mỹ, Australia, năm nay sản phẩm của Chile, New Zealand cũng ồ ạt vào Việt Nam với giá giảm mạnh. Giá cherry giảm khoảng 5-10% so với năm ngoái. Mỗi kg cherry nhập từ Mỹ khoảng 500.000 đồng. Ngoài ra, cherry Chile cũng đang được nhập mạnh vào Việt Nam với giá bán lẻ 200.000-300.000 đồng một kg. Với khách mua số lượng một thùng trên 5 kg, giá sỉ khoảng 250.000-280.000 đồng một kg, còn giá lẻ 320.000 đồng. Nhu cầu sử dụng cherry giá rẻ đang lấn át các sản phẩm có giá cao. Do đó, sức mua sản phẩm từ Chile tăng 50% so với năm ngoái và tăng 30% so với hàng từ Australia và Mỹ. Lý giải nguyên nhân cherry ngoại ngày càng giảm giá, một số thương nhân cho rằng, sản phầm này đang vào mùa, nguồn cung thị trường lại dồi dào. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang siết chặt các biện pháp chống Covid-19 nên cherry giảm xuất khẩu sang thị trường tỷ USD này và rẽ sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

'Heo ăn chuối' của Hoàng Anh Gia Lai lên kệ hàng

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết sẽ bán thịt heo sạch tại chuỗi 16 cửa hàng thực phẩm thuộc hệ thống Sanha Foodstore TP HCM bắt đầu từ 11/3. Đây là lần đầu tiên công ty kết hợp với các đối tác phân phối tới người tiêu dùng sản phẩm "heo ăn chuối" BAPI (Banana Pig) vào chuỗi cửa hàng thực phẩm.

Theo Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức, sau chuỗi cửa hàng trên, heo của HAGL sẽ được phân phối không chỉ tại các siêu thị mà còn tại các cửa hàng thực phẩm khác nhau. Dự kiến năm nay xuất bán 300.000-400.000 con "heo ăn chuối". Sang 2023, số lượng bán ra dự kiến là 1 triệu con.

Để kiểm nghiệm chất lượng heo ăn chuối, ông Đức cũng tặng 1.000 cổ đông mỗi người 4 kg thịt heo tươi dùng thử.

Xuất khẩu tôm 2022 dự kiến vượt mốc 4 tỷ USD

Theo báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu tôm năm 2021 đạt hơn 3,9 tỷ USD (tăng 4% so với cùng kỳ), có hơn 500 doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu tôm tới 103 thị trường. Trong đó, có các thị trường chính gồm Mĩ, EU, Trung Quốc, Anh…

Trong 2 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu thuỷ sản cả nước đạt hơn 1,5 tỷ USD, trong đó con tôm chiếm hơn 36,5% (đạt 550,4 triệu USD).

Theo kế hoạch sản xuất tôm năm 2022, diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha, sản lượng tôm các loại 980.000 tấn. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2022 sẽ vượt mốc 4 tỷ USD, đạt tăng trưởng từ 10% đến 12%.

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm trong năm sẽ đối mặt với một số khó khăn như nguyên liệu tôm chế biến tăng; các thị trường lớn cần thêm thời gian phục hồi do dịch Covid-19; chiến tranh Nga – Ukraine; khả năng lạm phát sẽ làm giá thành sản xuất tăng…