Trong những năm qua, công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện cả về nội dung, hình thức và kỹ thuật lập pháp, theo hướng thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch; thể hiện tư duy lập pháp mới trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy đạt được những thành tựu như vậy nhưng đáng tiếc là hệ thống pháp luật nước ta vẫn còn những bất cập, hạn chế, đặc biệt là tình trạng lồng ghép, cài cắm “lợi ích nhóm” trong các văn bản quy phạm pháp luật để trục lợi, hay còn gọi là tình trạng “tham nhũng chính sách”. Chính vì thế, mới đây Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban soạn thảo nhằm xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Theo kế hoạch, dự thảo Quy định sẽ được báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào cuối năm nay.
Trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề có hay không "lợi ích nhóm" trong chi phối công tác xây dựng pháp luật, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho biết, với những gì đã được chứng kiến ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, ông cho rằng yếu tố này đã có nhưng không nhiều.
Đồng tiền “xuyên thủng” sự liêm chính của một số cán bộ đảng viên
Thưa Thiếu tướng, nhiều quan điểm cho rằng trong việc lấy ý kiến ban hành văn bản về quản lý, phát triển kinh tế xã hội, nhóm lợi ích có thể xuất hiện trong tất cả các công đoạn, các khâu, các bước, từ đề xuất ý tưởng, lập kế hoạch, khảo sát, nghiên cứu, hội nghị, hội thảo, kết luận, ra chủ trương quyết sách đến hướng dẫn thi hành có lợi cho địa phương, đơn vị mà quên đi hoặc bất chấp lợi ích cộng đồng. Việc “cài cắm” lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực gì cho xã hội?
- Cùng với những hệ lụy như một số quan điểm đã nêu ở trên, tôi muốn bổ sung thêm một số câu chuyện. Trước hết là ở hoạt động xây dựng pháp luật, nguyên tắc xây dựng luật đã bị xâm hại, tạo ra những văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn. Từ đó cản trợ sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, tạo ra những trục lợi về mặt chính sách, như vậy tham nhũng từ chính sách đã biến thành tham nhũng kinh tế, tham nhũng tiền tài.
Câu chuyện nữa là chức năng quản lý nhà nước của các bộ ngành đã có sự xung đột, và đó là cơ chế để một số bộ ngành trục lợi chính sách, thực hiện tham vọng biến chính sách thành lợi ích, bao gồm cả lợi ích vật chất và lợi ích chính trị của bộ ngành mình.
Tốn kém nữa là tuổi thọ của văn bản quy phạm pháp luật không cao, từ đó dẫn tới câu chuyện tốn kém kinh phí để xây dựng văn bản pháp luật mới thay thế nhằm khắc phục bất cập.
Ngoài những hệ lụy tiêu cực như ông vừa nói, có một điều rất nguy hiểm nữa đó là lợi ích nhóm tấn công vào đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua các hành động hối lộ, quà biếu, quà tặng, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên mất đi vai trò tiên phong, gương mẫu, giảm sút ý chí chiến đấu và trở thành kẻ đồng lõa, làm trái với nguyên tắc, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ông có bình luận gì thêm về điều này?
- Những người manh nha xây dựng nên "lợi ích nhóm" vốn dĩ đã là những nhân vật phá vỡ nguyên tắc; là cán bộ đảng viên nhưng không vì dân, vì nước mà tạo ra "lợi ích nhóm", từ khâu soạn thảo văn bản, thẩm tra, thẩm định, đến lúc thảo luận thông qua, mọi người vẫn nói đến cụm từ “vận động hành lang” và theo tôi đi cùng với đó là quà biếu.
Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi khẳng định đã từng được bộ ngành vận động, họ gửi cho tôi tài liệu nhưng kẹp đằng sau cả phong bì. Tôi đã trả lời ngay rằng, mình đã được phát tài liệu. Vì thế tôi khẳng định "lợi ích nhóm" là câu chuyện có thật, từ vi phạm này dẫn đến vi phạm khác và quan trọng là bằng đồng tiền nó “xuyên thủng” sự công khai, minh bạch, liêm chính của một số cán bộ đảng viên nếu không đứng vững trước sự cám dỗ của lợi ích vật chất.
Người có quan điểm trái chiều thường không được mời lấy ý kiến
"Lợi ích nhóm" bản chất là hành vi tham nhũng, luôn có mối quan hệ chặt chẽ với tham nhũng. Mối quan hệ này được hình thành bởi sự cấu kết giữa những người có quyền lực trong hệ thống chính trị với những cá nhân, doanh nghiệp hay một nhóm người nhằm tạo ra các quyết định, tạo ra các chính sách để đạt được lợi ích riêng. Trên thực tế, những biểu hiện này rất tinh vi, vậy làm sao có thể nhận diện được?
- Tôi cho rằng, việc nhận diện không khó, cái khó hiện nay là tổ chức nhận diện hành vi này một cách công tâm khách quan. Cho nên, câu chuyện phản biện độc lập và con người có tính độc lập để phản biện, và tổ chức để những người độc lập này thực hiện việc phản biện có ý nghĩa rất lớn trong việc phát hiện. Một người từng nói câu chuyện phản biện chính sách anh đưa ra hãy nói với những người không phụ thuộc vào anh, để xem những người đó phản biện ra sao, chính sách có đúng không. Còn nói với những người phụ thuộc vào anh thì đương nhiên họ sẽ phụ họa.
Tôi được biết, hiện nay, trong xây dựng, thảo luận, đặc biệt trong hội thảo, người ta chỉ mời những người ủng hộ quan điểm của người ta, nên những người có ý kiến trái chiều, thăm dò ý kiến người ta không ủng hộ, thì người ta sẽ không mời, dẫn tới báo cáo kết quả hội thảo sẽ toàn ý kiến đồng ý. Vì thế tôi vẫn cho rằng, quan trọng là cách thức chúng ta tổ chức để nhận diện, còn nhận diện là không khó. Nhân dân ta rất thông minh, giỏi giang trong việc đánh giá những chính sách.
Có ý kiến cho rằng, việc cài cắm "lợi ích nhóm" trong xây dựng pháp luật cũng là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống pháp luật ở nước ta chưa thể đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống, đặc biệt là có nhiều quy định vênh so với thực tiễn. Ông nghĩ sao về điều này?
- Chuyện pháp luật vênh so với thực tiễn, tôi khẳng định, ngoài nguyên nhân xuất phát từ lợi ích nhóm, còn có một nguyên nhân nữa là câu chuyện xuất phát từ năng lực thực tiễn của người thực hiện chức năng thiết kế chính sách. Đồng thời với câu chuyện đó là sự thay đổi đời sống xã hội hàng ngày, nhiều khi chính sách không theo đuổi kịp. Tôi cho đó cũng là một nguyên nhân khách quan. Còn cơ bản vẫn là năng lực của người thiết kế chính sách, và như đã nói ở trên, lợi ích nhóm sẽ dẫn tới mâu thuẫn chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật, cũng gây ra những hệ lụy mà chúng ta đã đề cập.
Thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật mà văn bản quy phạm pháp luật không phục vụ cho đại đa số người dân, chỉ nhằm phục vụ lợi ích của một nhóm người sẽ dẫn tới những hệ lụy vô cùng nguy hiểm cho xã hội. Vậy theo ông vì sao có tình trạng này khi việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật qua rất nhiều khâu, nhiều bước với quy trình cũng rất chặt chẽ?
- Câu chuyện quy trình xây dựng pháp luật có thể tạm gọi theo 2 giai đoạn chính: giai đoạn dự thảo và giai đoạn ban hành. Đây là 2 giai đoạn lớn và trong từng giai đoạn lớn đó, còn có những giai đoạn nhỏ. Câu chuyện nguyên nhân chất lượng không cao xuất phát từ đâu, theo tôi đánh giá yếu tố con người là quan trọng nhất, là chất lượng đội ngũ cán bộ làm luật, thẩm định pháp luật; yếu tố nữa là sự thiếu công tâm trong việc xây dựng pháp luật. Đây cũng chính là lý do khiến Đảng, Nhà nước đang rất quan tâm đến vấn đề "lợi ích nhóm". Cá biệt có sự nhầm vai ở chỗ, sinh ra cơ quan A để thẩm định, có nghĩa là để phản biện chính sách nhưng anh lại đi phụ họa cho nó, chứ không phản biện. Tôi cho rằng, đó là những nguyên nhân lớn dẫn tới hệ quả là hệ thống pháp luật có những bất cập.
Có cơ chế để người dân đánh giá sự liêm chính của cán bộ
Khi phát hiện có những quy phạm pháp luật bị chi phối bởi nhóm lợi ích, chúng ta cần xem xét trách nhiệm của các đơn vị cũng như cá nhân có liên quan như thế nào, thưa ông?
- Công đoạn xây dựng dự thảo pháp luật, thẩm định thẩm tra, câu chuyện lợi ích chi phối có 3 nhóm chủ thể, đó là nhóm chủ thể xây dựng dự thảo luật; nhóm chủ thể thứ hai là nhóm thẩm định của Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan; nhóm thứ ba là hoạt động thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Chúng ta cần xử lý ở cả 3 công đoạn này mới ra được một văn bản có hiệu lực cao và không mâu thuẫn với những văn bản pháp luật trước đó.
Theo ông cần những giải pháp nào để khắc phục hiệu quả tình trạng có "lợi ích nhóm" chi phối trong công tác xây dựng pháp luật?
- Tôi cho rằng, có 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất là khắc phục bất cập ở cả 3 khâu: xây dựng, thẩm định và thẩm tra pháp luật. Thứ hai là xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Về nhóm giải pháp này, quay trở lại nhiệm kỳ khóa XIV, một số dự án luật không được thông qua, nhưng chưa ai bị xử lý mặc dù rõ ràng có câu chuyện lợi ích, cả xã hội lên án, đại biểu Quốc hội cũng rất gay gắt thể hiện quan điểm của họ bằng cách không nhất trí thông qua.
Thứ ba là chọn người làm công tác xây dựng pháp luật phải có 2 yêu cầu: kiến thức pháp luật và bản lĩnh, đặc biệt với người làm công tác thẩm định, thẩm tra phải có bản lĩnh trong phản biện chính sách.
Sự kỷ cương, liêm chính trong công tác xây dựng pháp luật được đề cao thì chắc chắn câu chuyện "lợi ích nhóm" chi phối công tác xây dựng pháp luật sẽ không tồn tại phải không thưa ông?
- Đúng là như thế, nó chính là yếu tố liêm chính của con người. Con người không có liêm chính khi phát biểu sẽ coi như những người khác không biết; không tiếp thu, thậm chí có thái độ hằn học. Tuy nhiên, hiện nay câu chuyện về cơ chế để người dân đánh giá sự liêm chính của cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là cá nhân đại biểu dân cử trong hoạt động xây dựng thể chế, theo tôi là chưa có bởi thực tiễn hiện nay, không ít đại biểu dân cử trước khi được bầu đều hứa vì dân vì nước, nhưng được bầu rồi thì không đứng về phía dân, phía nước nữa, mà chỉ đứng về phía bộ ngành mà anh ta xuất thân. Rõ ràng, trong câu chuyện này có cơ chế để cho người dân đánh giá thông qua phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, đây sẽ là biện pháp đấu tranh có hiệu quả trong phòng chống "lợi ích nhóm" thông qua kênh đánh giá sự liêm chính.
Xin cảm ơn ông!