Trong thời kỳ nhiều biến động như Tam Quốc, việc sở hữu những mãnh tướng tài giỏi, thiện chiến được coi là vốn liếng không thể thiếu đối với những vị quân chủ có tham vọng thống nhất thiên hạ như Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền.
Thời thế xuất anh hùng. Trong Tam Quốc có vô số anh hùng, hào kiệt xuất hiện. Tuy nhiên, không phải ai cũng được xưng tụng thuộc hàng đệ nhất danh tướng như Lã Bố.
Lã Bố có sức khỏe phi thường, tinh thông võ nghệ, mệnh danh là chiến thần, võ tướng vô cùng thiện chiến, thuộc hàng đệ nhất Tam Quốc.
Thậm chí người đời thường nói "Nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố" (tạm dịch là Người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố), với ý tôn vinh hai cực phẩm hiếm có về người và ngựa này.
Trong khi đó, Quan Vũ cũng được mệnh danh là một trong những danh tướng hàng đầu Tam Quốc, nổi tiếng với tinh thần trung nghĩa. Mãnh tướng này thậm chí từng được ba tập đoàn chính trị mạnh nhất là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô phải kiêng dè, nể sợ.
Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao Quan Vũ không dám đơn đấu với Lã Bố?
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Quan Vũ và Lã Bố có ít nhất 2 lần giao chiến với nhau, nhưng không phải đơn đấu. Đó chỉ là giao chiến trong tình thế bắt buộc.
Trong đó, lần nổi tiếng nhất khi Lã Bố và Quan Vũ giao chiến là trong trận Hổ Lao Quan, cụ thể là về cuộc chiến giữa Đổng Trác và liên minh 18 lộ chư hầu do Viên Thiệu đứng đầu vào năm 190. Trong trận Hổ Lao Quan, có cuộc đọ sức nổi tiếng giữa Lã Bố với ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, hay còn được gọi là "Tam anh chiến Lã Bố".
Trong cuộc đọ sức này, Trương Phi ban đầu thách đấu Lã Bố. Hai bên đã đánh hơn 50 hiệp mà vẫn không phân thắng bại. Quan Vũ khi đó đứng ngoài thấy thế liền cầm Thanh Long Yển Nguyệt đao đến cùng đánh. Trương Phi và Quan Vũ đánh 30 hiệp nữa mà vẫn không hạ được Lã Bố. Thấy vậy nên Lưu Bị cầm đôi gươm lao vào đánh giúp.
Tuy nhiên, cuối cùng Lã Bố vẫn tìm được đường rút lui trước. Trận một đấu ba mà vẫn có thể thoát được vòng vây, cho thấy sức mạnh và khả năng chiến đấu của 'chiến thần' Lã Bố.
Nhìn vào cuộc chiến trên có thể thấy, Quan Vũ không chủ động thách đấu Lã Bố. Vì sao Quan Vũ làm vậy?
Trên thực tế có ba lý do chính khiến Quan Vũ không bao giờ chủ động đơn đấu với Lã Bố.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Quan Vũ và Trương Phi tuy là anh em kết nghĩa nhưng tính tình lại hoàn toàn khác nhau. Chính vì sự khác nhau này nên cả hai cũng có thái độ khác biệt đối với Lã Bố.
Quan Vũ rất cởi mở và đối xử tử tế với binh lính dưới trướng, nhưng lại rất kiêu ngạo đối với các tầng lớp quan lại và học sĩ. Mãnh tướng tài giỏi của Lưu Bị coi thường Tôn Quyền và không nghe theo lời khuyên của Gia Cát Lượng.
Hơn nữa, Lã Bố vốn không phải là quan lại hay học sĩ gì, do đó Quan Vũ đối với Lã Bố không phải là thái độ kiêu ngạo nhưng có coi thường. Nguyên nhân thực chất là do danh tiếng của Lã Bố không được tốt. Lã Bố có quá khứ liên tiếp phản bội chủ nhân. Trong khi Quan Vũ nổi tiếng là người trung nghĩa. Hai người rõ ràng không có điểm chung.
Thế nhưng có một thực tế phải thừa nhận rằng Lã Bố rất mạnh, nên Quan Vũ cũng không bao giờ chủ động đơn đả độc đấu với Lã Bố.
Lưu Bị đương nhiên biết nguyên nhân Quan Vũ không bao giờ chủ động tấn công Lã Bố nhưng ông không nói ra. Chỉ đến khi Quan Vũ ngỏ ý muốn đơn đấu với Mã Siêu, Lưu Bị hiểu được tâm ý nên đã trực tiếp nhờ Gia Cát Lượng viết thư cho vị tướng này.
Theo quan điểm của Lưu Bị, Quan Vũ là một "át chủ bài" quan trọng trong việc xây dựng cơ nghiệp nhà Thục Hán khi có thể thống lĩnh đại quân. Trong khi đó, Trương Phi lại là người bất cẩn và quá liều lĩnh. Việc để mất Từ Châu là một minh chứng điển hình.
Chính vì vậy, Quan Vũ không thể chủ động đơn đấu với Lã Bố. Đây cũng có thể là một cách suy luận.
Trương Phi hễ gặp Lã Bố là mắng chửi. Điều này thực ra không ảnh hưởng đến cục diện chung, bởi hành vi của Trương Phi xuất phát từ tính cách liều lĩnh.
Nhưng nếu Quan Vũ cũng ra sức mắng chửi Lã Bố thì tình hình sẽ khác. Quan Vũ được coi như là một thủ lĩnh thứ hai tượng trưng cho nghĩa khí của Lưu Bị. Nếu Quan Vũ sỉ nhục Lã Bố và đồng thời thách đấu một đấu một thì kết quả sẽ gây bất lợi cho thế lực chính trị vừa mới manh nha của Lưu Bị.
Quan Vũ cũng có sự nhạy bén trước thời cuộc. Ông hiểu tâm ý của Lưu Bị. Do đó, danh tướng này không vì chuyện nhỏ với Lã Bố mà ảnh hưởng đến đại nghiệp của Lưu Bị.
Từ trận Hổ Lao Quan có thể thấy được đáp án này. Khi cả Trương Phi và Quan Vũ phối hợp đánh mà vẫn không thể hạ được Lã Bố. Điều này cho thấy sức mạnh chiến đấu đáng kinh ngạc của Lã Bố.
Sau trận chiến này, Quan Vũ đương nhiên hiểu được sức mạnh của Lã Bố. Do đó, sau này Quan Vũ không bao giờ chủ động thách đấu Lã Bố. Bởi nếu vị tướng này không thể đánh bại Lã Bố, thử hỏi tại sao lại tự làm ra chuyện khiến bản thân bẽ mặt?