Người viết gặp anh Lưu Tuấn Anh – con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh với nghệ sĩ Violon Lưu Tuấn trong sự kiện gắn biển tên phố Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ sáng 12/3 tại Hà Nội. Vợ chồng anh đến điểm tổ chức lễ gắn biển tên phố do UBND Quận Cầu Giấy tổ chức từ rất sớm.
Sau khi hoàn tất lễ kéo băng gắn tên biển phố Xuân Quỳnh, vợ chồng anh còn lưu lại chụp ảnh rất lâu. Dù không nói ra bằng lời nhưng ai cũng cảm nhận được những xúc cảm dâng trào trong lòng vợ chồng anh Lưu Tuấn Anh.
Trong cuộc trò chuyện giữa trưa muộn với phóng viên Dân Việt, anh Lưu Tuấn Anh cũng kịp chia sẻ những nghĩ suy của mình về niềm vui "tên của mẹ mình được gắn với tên một con phố ở Hà Nội" mà anh mong đợi bấy lâu.
- Với tôi, việc đặt tên phố Xuân Quỳnh lần này rất có ý nghĩa vì mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nay dù đã đi xa nhưng tên của bà vẫn gắn với Hà Nội. Ở Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đã có đường phố mang tên Xuân Quỳnh từ lâu nhưng niềm vui lần này mới thực sự khiến chúng tôi vỡ òa. Tôi nghĩ, niềm vui này không chỉ ý nghĩa với riêng tôi mà cả với những người bạn của mẹ và người yêu thơ Xuân Quỳnh.
- Tất nhiên là ai cũng mong mỏi niềm vui chứa đầy vinh dự và tự hào này đến sớm hơn. Nhưng cũng giống như Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trước đây, nhiều người bảo, đáng ra Xuân Quỳnh phải được từ lâu nhưng với chúng tôi thì điều đó không nói lên được gì hết. Quan trọng là sự ghi nhận dù hơi muộn nhưng thuận tình số đông và đáng trân trọng.
Lúc sinh thời, mẹ tôi là người sống vì thơ chứ không phải sống vì danh tiếng. Mẹ làm thơ cũng không phải hy vọng sẽ có giải thưởng nào đấy hoặc để được vinh danh sau này. Sự ghi nhận này là Nhà nước, ngành Văn hóa và công chúng cảm thấy xứng đáng thì ghi nhận thôi.
Bản thân tôi thì thấy, nếu Hà Nội đi trước Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh trong việc đặt tên đường Xuân Quỳnh thì sẽ hay hơn. Hà Nội là quê hương của mẹ, nếu được đặt sớm hơn thì sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn.
- Tất nhiên là tôi mong muốn phố sẽ rộng rãi và thoáng đãng hơn, nó có gì đó phóng khoáng, gần với hồn thơ của mẹ mình. Tại vì thơ của mẹ rất trong sáng và có một cái gì đấy rất phóng khoáng. Một số bài thơ của bà chứa đầy sự phóng khoáng như: "Sóng", "Thuyền và biển"...
Tôi rất muốn có con phố thể hiện được hồn thơ của bà. Nhưng đấy chỉ là ước nguyện của tôi thôi, còn thực tế thì vẫn phải do điều kiện của thành phố. Chỗ nào hợp lí, thuận tiện cho việc quy hoạch thì đấy là việc của chính quyền, mình không thể "tham lam" được.
Sau khi xem một số trích đoạn trong vở nhạc kịch "Sóng" do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng mới đây, anh cảm thấy thế nào?
- Điều đầu tiên là tôi thấy những người làm vở "Sóng" rất trân trọng mẹ tôi và gia tài thi ca của bà. Vì thế, tôi cũng đánh giá cao nỗ lực và tình cảm của những người tham gia vào vở nhạc kịch này. Từ diễn viên, đạo diễn, biên kịch, nhạc sĩ, họa sĩ… cho đến nhân viên hậu đài.
Tuy nhiên, cá nhân tôi mong muốn có một câu chuyện hay hơn. Bởi vì cuộc đời của mẹ tôi và bố dượng là nhà viết kịch Lưu Quang Vũ có rất nhiều chất liệu để có thể "nhào nặn" thành một câu chuyện thú vị hơn nhiều. Tôi thích những chi tiết được đưa vào vở nhạc kịch dựa trên chất liệu có thật chứ không phải chỉ mang hơi hướng hư cấu.
Thật ra cuộc đời của mẹ tôi và những người có liên quan, kể cả bố đẻ tôi cũng có khá nhiều chi tiết hay ho và mang tính nhân văn. Thôi thì một lần nữa… điều đó vẫn chỉ là ước nguyện. Tôi cũng hiểu, ê-kíp thực hiện vở nhạc kịch muốn dàn dựng thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố giải trí để phù hợp với thị hiếu công chúng hiện nay. Nhưng những gì mà Nhà hát Tuổi trẻ làm được tôi đánh giá rất cao. Tôi không có kiến nghị hoặc đòi hỏi gì ở họ. Họ sáng tạo, họ có quyền làm theo cách của họ.
Anh với BTV Lưu Minh Vũ – con trai nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ thường không gọi nhau bằng tên thật mà gọi bằng "nick name" ở nhà. Nghĩa là phải thân thiết lắm mọi người mới gọi nhau như thế. Mối quan hệ của hai anh nhiều năm qua như thế nào?
- Tôi với Vũ có mối quan hệ rất đặc biệt. Dù không cùng cha và cũng không cùng mẹ nhưng lại có hoàn cảnh giống nhau. Cả hai anh em chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm vui buồn. Mọi vinh quang và cay đắng, hạnh phúc và biến cố của gia đình thì anh em chúng tôi đều trải qua. Vì như thế nên đôi khi chúng tôi còn hơn cả anh em ruột thịt. Trong thâm tâm, tôi luôn coi Vũ như người em ruột và Vũ cũng đối với tôi như thế.
Có thể, mọi người sẽ ngạc nhiên vì chúng tôi không có mối quan hệ huyết thống gì cả mà lại thân thiết với nhau thế. Nhưng cuộc đời đâu thiếu những chuyện anh em không cùng cha, cùng mẹ mà thân thiết hơn cả anh em ruột. Giống như bố đẻ của tôi với em Lưu Quỳnh Thơ trước đây. Lưu Quỳnh Thơ là con của mẹ tôi với bố dượng Lưu Quang Vũ nhưng lại được bố đẻ tôi hết sức yêu thương.
Bố tôi quý em Thơ không khác gì con ruột. Lúc Thơ mất, ông đau khổ và thương nhớ em rất nhiều. Đấy là câu chuyện thật về gia đình tôi mà khi đưa vào nghệ thuật sẽ mang lại rất nhiều giá trị nhân văn cho người xem. Có thể, chúng ta rất khác nhau về nhiều thứ và không cùng máu mủ ruột rà nhưng vẫn có thể yêu quý nhau được, vẫn có thể coi nhau là anh em. Cuộc sống đẹp hay không là do chính mình.
Năm nay là sinh nhật lần thứ 80 của thi sĩ Xuân Quỳnh. Anh và gia đình có ý định gì cho sự kiện đặc biệt này không?
- Ở thời điểm hiện tại, phía gia đình tôi chưa có kế hoạch gì. Nếu mà công chúng hoặc cơ quan truyền thông nào thấy có thể tổ chức được sự kiện nào đó để tưởng nhớ mẹ tôi thì có thể làm. Nếu họ cần sự giúp đỡ của tôi và gia đình thì chúng tôi cũng luôn sẵn sàng.
Tôi sẽ hết sức hỗ trợ nếu mọi người có thiện tâm. Giống như nhạc kịch "Sóng", tôi thấy đó là ý tưởng thú vị của Nhà hát Tuổi trẻ nên tạo điều kiện hết sức có thể. Trước đó, tôi chưa hề có ý nghĩ đưa mẹ mình lên sân khấu hay điều gì đó tương tự.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin!