Sáng 4/3, tiếp tục phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021" và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.
Một trong những vấn đề nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra là việc giải quyết chính sách với cán bộ dôi dư và chính sách với chính người dân sau sáp nhập.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ở cấp huyện còn 424 cán bộ, cấp xã còn 3.414 cán bộ và ở thôn, tổ dân phố còn 492 cán bộ không chuyên trách thuộc diện phải sắp xếp.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, chính sách cho cán bộ là vấn đề lớn.
"Việc sắp xếp cán bộ dôi dư các địa phương nhìn nhau, chỗ cao chỗ thấp cũng tạo nên tâm lý cho cán bộ. Anh này được 200 triệu đồng, anh kia 250 triệu đồng cũng tạo tâm tư cán bộ", ông Vinh nói và đề nghị các địa phương nên có sự phối hợp, tham chiếu trong việc ra chính sách.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Chính phủ đang sửa đổi các nghị định để giải quyết chính sách cho cán bộ dôi dư.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu vấn đề ở khía cạnh khác, xã nghèo nhập vào xã không nghèo thì bà con ở xã nghèo trước đây có được hưởng chính sách cho xã nghèo không? Xã dân tộc miền núi, dân tộc, khó khăn... sau sáp nhập thì hưởng chính sách thế nào?...
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, theo nghị quyết của Quốc hội thì các chính sách với người dân sẽ được tiếp tục thực hiện đến hết 31/12/2021, sau đó sẽ đánh giá thực trạng để có kiến nghị có tiếp tục thực hiện hay không.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh tinh thần là chính sách với cán bộ và người dân sau sáp nhập "chỉ có tăng lên hoặc ít nhất là bằng chứ không giảm đi".
"Người nghèo là giữ nguyên chính sách nghèo cho đến thời hạn nhất định. Sau khi đánh giá lại không đủ tiêu chuẩn xã nghèo nữa thì thôi. Chính sách vẫn được hưởng", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Một vấn đề nữa, theo phản ánh của người dân thì ở một số địa phương, sau khi sáp nhập việc bố trí trụ sở của đơn vị hành chính mới chưa phù hợp, không thuận lợi cho việc giao dịch của người dân trên địa bàn nhất là miền núi, địa bàn rộng.
Phát biểu góp ý, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, xem việc lấy ý kiến người dân có nơi nào chủ quan, áp đặt không?; việc cung cấp dịch vụ công cho người dân thế nào? Chỗ nào ý chí quyết tâm thấp, không dám làm, ngại khó khăn, chỗ nào nóng vội, duy ý chí không?
"Việc chúng tôi quan tâm là một xã nông thôn mới ghép với 1 xã không phải nông thôn mới thì thành xã gì? Thống kê toàn quốc về tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới có thay đổi không? Xã ghép với phường thành 1 phường có thỏa đáng không? Nhiều vấn đề phải trả lời lắm, phải rất sát địa phương, cơ sở", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu loạt vấn đề.
Sau phiên họp thứ 9, Đoàn giám sát sẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo bổ sung, làm rõ một số thông tin liên quan.