Dân Việt

Số phận lô gỗ sưa đỏ từng được trả giá trăm tỷ ở Hà Nội giờ ra sao?

Vân Anh- Mai Dung 15/03/2022 07:09 GMT+7
Sau hơn 3 năm chặt hạ, trải qua 4 lần bán đấu giá, lô gỗ sưa thu được từ hai cây sưa đỏ 50 tuổi và 130 tuổi trong khuôn viên đình Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đến nay vẫn nằm bất động trong thùng container.

Ngày 13/3, phóng viên Dân Việt có mặt tại thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội - nơi bà con đang bảo quản lô gỗ sưa từng được trả giá trăm tỷ đồng.

Nhà văn hóa thôn Phụ Chính (nơi đặt thùng container chứa lô gỗ sưa) đang được xây mới, nâng nền. 

Số phận lô gỗ sưa từng được trả giá trăm tỷ ở Hà Nội giờ ra sao? - Ảnh 1.

Số gỗ sưa chặt hạ tại đình Phụ Chính vào năm 2019. Ảnh Nguyễn Đức

Ông Đinh Văn Đúng, cựu Chi hội trưởng Chi hội làng nghề tại thôn Phụ Chính kể rằng, sau hơn 3 năm chặt hạ, trải qua 4 lần bán đấu giá, lô gỗ sưa thu được từ hai cây sưa đỏ 50 tuổi và 130 tuổi trong khuôn viên đình Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đến nay vẫn nằm bất động trong thùng container. 

Hiện tại, số gỗ sưa ở thôn Phụ Chính được chia thành 31 khúc và cất giữ toàn bộ trong một thùng container, được niêm phong và khóa 4 ổ khóa. Bốn ổ khóa ở thùng container được giao cho 4 người uy tín trong thôn giữ.

Nếu muốn mở cửa thùng container phải có sự thống nhất của những người trông coi. Ngoài ra, dân làng cùng công an cắt cử nhau bảo vệ container chứa gỗ sưa 24/24h.

Số phận lô gỗ sưa từng được trả giá trăm tỷ ở Hà Nội giờ ra sao? - Ảnh 2.

Hiện tại số gỗ sưa vẫn đang được bảo quản ở trong thùng container, người dân thay nhau trông coi 24/24h. Ảnh Vân Anh

"Lý do khiến lô gỗ sưa đến nay chưa bán được là do phụ thuộc vào thị trường và thương lái ở bên Trung Quốc. Ở Việt Nam, rất ít người có nhu cầu mua gỗ sưa. Thêm nữa, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường bên Trung Quốc không còn thu mua gỗ sưa ồ ạt như trước nữa từ đó dẫn đến việc số gỗ sưa vẫn chưa thể bán được", ông Đúng thông tin.

Sau hơn 3 năm chặt hạ, trải qua 4 lần bán đấu giá, lô gỗ sưa thu được từ hai cây sưa đỏ 50 tuổi và 130 tuổi trong khuôn viên đình Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đến nay vẫn nằm bất động trong thùng container.

Theo người dân thôn Phụ Chính, kể từ khi chặt hạ số lô gỗ sưa, họ nhiều lần chứng kiến người dân cẩu số gỗ sưa ra cho thương lái vào xem.

"Có cả khách trong nước và nước ngoài đến xem hỏi mua số lô gỗ sưa. Mỗi lần đưa số gỗ ra khỏi thùng cho khách xem tốn rất nhiều chi phí, nhưng xem xong vẫn chưa thấy ai chốt hạ mua cả. Chúng tôi cũng nóng ruột lắm nhưng không biết làm thế nào", một người dân ở thôn Phụ Chính bộc bạch.

Số phận lô gỗ sưa từng được trả giá trăm tỷ ở Hà Nội giờ ra sao? - Ảnh 3.

Chùa Phụ Chính mới được xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Ảnh: Mai Dung

Bà Trần Thị Bích, người dân thôn Phụ Chính cho hay, bản thân bà cũng như nhiều người dân khác mong muốn sớm bán được số lô gỗ sưa này để có kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi, cải tạo lại hệ thống giao thông thôn xóm.

"Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn có kinh phí để thực hiện các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những người nghèo trong và ngoài thôn; hỗ trợ trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa; ủng hộ hội người khuyết tật để giúp họ vươn lên trong cuộc sống", bà Bích tâm sự.

Trước đó, trong khuôn viên chùa Phụ Chính có hai cây sưa quý hiếm, một cây có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm, 130 năm tuổi. Một cây khác cũng có chiều cao hơn 10m, đường kính khoảng 80cm, khoảng gần 100 năm tuổi.

Năm 2010, có người đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho một cây sưa đỏ nhưng người dân không bán. Sau đó, người dân đã cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng. Đến tháng 10/2018, thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng quy định của pháp luật.

Số phận lô gỗ sưa từng được trả giá trăm tỷ ở Hà Nội giờ ra sao? - Ảnh 5.

Nhà văn hóa thôn Phụ Chính đang được xây dựng. Bên cạnh là thùng container chứa lô gỗ sưa được định giá cả trăm tỷ. Ảnh: Vân Anh

Ngày 27/1/2019, người dân thôn Phụ Chính bắt đầu chặt hạ hai cây sưa đỏ, chia thành 5 nhóm gỗ với trọng lượng từ 550 kg đến hơn 2.000 kg, đồng thời đưa ra mức giá khởi điểm cho nhóm gỗ đặc biệt là 32 triệu đồng mỗi kg, còn loại gỗ gốc nhỏ, rễ thì hơn 6 triệu đồng mỗi kg. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, số lô gỗ sưa vẫn chưa thể bán vì nhiều lý do khác nhau.