PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định, hậu Covid-19, nhiều người gặp các di chứng về mặt tinh thần như stress, trầm cảm, lo âu, mất ngủ, hồi hộp.. .
Đây là những sang chấn tâm lý của hầu hết mọi người phải trải qua thời kỳ bệnh nặng, lo lắng, căng thẳng vì bệnh dịch, sức khỏe mệt mỏi, suy sụp.
Ngoài ra, một số người gặp các di chứng về thể chất như tổn thương đường hô hấp, khó thở, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, huyết học bị huyết khối… Lại có trường hợp gặp chứng rối loạn tiêu hóa, mất vị giác, chán ăn, tiêu chảy…
Theo PGS Khuê, các di chứng hậu Covid-19 có thể xảy ra đối với cả người mắc Covid-19 nặng và nhẹ, tuy nhiên, người mắc bệnh nặng, nguy kịch, phải trải qua hồi sức tích cực, nằm viện dài ngày thì vấn đề hậu Covid-19 nhiều và trầm trọng hơn.
PGS Khuê cũng khuyến cáo không phải ai cũng cần đi khám hậu Covid-19.
"Những người mắc Covid-19 có bệnh nền, bệnh nặng, nguy kịch, người cao tuổi cần đi khám hậu Covid-19. Đặc biệt là những người mắc Covid-19 nằm viện và có chỉ định tái khám thì nên đi khám đúng lịch hẹn.
Còn người dân mắc Covid-19 nhưng bệnh nhẹ, nếu hậu Covid-19 gặp các vấn đề về sức khỏe, mệt mỏi quá sức, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt mới cần phải đi khám. Đặc biệt người dân không tự mua thuốc, dùng thuốc theo lời mách nước trên mạng gây nguy hiểm cho sức khỏe", PGS Khuê cho biết.
PGS. TS. Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, những người có nguy cơ cao mắc hội chứng hậu Covid-19 bao gồm: những người trên 60 tuổi, có các bệnh lý nền kèm theo như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, bệnh thận mạn tính, bệnh gan mạn tính, bệnh máu mạn tính, ung thư, suy giảm miễn dịch….
Ngoài ra, những người bệnh có chỉ định liệu pháp oxy tại nhà, đặc biệt là nhóm người bệnh nặng phải hỗ trợ thở máy trong thời gian bị nhiễm Covid-19 và những người chưa tiêm đủ liều vaccine Covid-19 cơ bản cũng có nguy cơ bị "hậu Covid-19" nhiều hơn.
Theo PGS Khuê, để chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là vấn đề hậu Covid-19, Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Tâm thần Trung ương xây dựng phác đồ cụ thể để hướng dẫn các bác sĩ điều trị các triệu chứng có liên quan đến tinh thần.
Còn về thể chất, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện hướng dẫn, đưa ra những bài tập để giúp người dân tập luyện phục hồi chức năng. Đơn cử như Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ xây dựng những bài tập thở, phục hồi chức năng phổi.
Theo chiến lược hiện nay của Bộ Y tế thì người bệnh sẽ điều trị hậu Covid-19 tại chính những bệnh viện chuyên khoa đã điều trị Covid-19 cho mình.
Bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền tăng huyết áp, tim mạch sẽ được điều trị tại bệnh viện tim mạch; Bệnh nhân đái tháo đường mắc Covid-19 sẽ được chuyển tới bệnh viện nội tiết,: Trẻ em điều trị ở bệnh viện nhi; Sản phụ mắc Covid-19 điều trị tại bệnh viện phụ sản, khoa sản…
Như vậy, các bệnh nhân khi có vấn đề hậu Covid-19 sẽ quay lại các bệnh viện chuyên khoa đã điều trị Covid-19 cho mình để tái khám.
Ngoài ra, hiện nay nhiều bệnh viện cũng đã lập phòng khám, chuyên khoa để thăm khám cho người dân có di chứng hậu Covid-19 hoặc người dân chỉ cần đi khám bệnh bình thường để điều trị các triệu chứng.
"Có nhiều người dân gặp các triệu chứng phổ biến hậu Covid-19 như trầm cảm, mất ngủ, lo âu… chỉ cần luyện tập sức khỏe và thay đổi thói sinh hoạt để làm mình vui vẻ hơn là sẽ có chuyển biến tốt. Tôi khẳng định, hậu Covid-19 không hề đáng sợ.
Theo ghi nhận thực tế của các bác sĩ, hầu hết những biến chứng hậu Covid-19 không gây nguy hiểm hay tử vong, mà chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh", PGS Khuê nhận định.