Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện số 1583/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xuất khẩu điều sang thị trường Châu Âu.
Trong công điện gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nêu rõ:
Vừa qua, một số báo điện tử, trong đó có báo điện tử Dân Việt phản ánh thông tin về việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều có nguy cơ mất hàng trăm triệu USD.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có kiến chỉ đạo như sau:
Giao Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý, hỗ trợ theo thẩm quyền bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và quốc tế, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Trước đó, Hiệp hội Điều Việt Nam đã có báo cáo số 23/2022/TM-HHĐ ngày 10/3/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành chức năng kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện nay, các doanh nghiệp đều gặp tình trạng với các bộ chứng từ gửi tới ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ, theo hướng dẫn của người mua hàng, nhà xuất khẩu nộp hồ sơ gốc bao gồm cả vận đơn đường biển bản gốc cho Ngân hàng Việt Nam để nhờ thu tiền bán hàng.
Sau đó ngân hàng Việt Nam đã gửi bộ chứng từ gốc cho ngân hàng thanh toán Thổ Nhĩ Kỳ của người mua qua dịch vụ phát chuyển nhanh DHL.
Sau khi ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ nhận được bộ chứng từ từ phía DHL thì họ thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng người mua không phải khách hàng của họ, và họ thông báo là đã gửi trả lại bộ chứng từ cho phía ngân hàng Việt Nam.
Nhưng ngân hàng Việt Nam tra soát với công ty DHLvề tình trạng giao phát theo số AWB do ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp thì được phản hồi rằng số AWB này không liên quan gì đến ngân hàng Việt Nam.
Ngân hàng Việt Nam đã gửi rất nhiều điện để hỏi về tình trạng bộ chứng từ trả về nhưng không được trả lời.
Với các bộ chứng từ gửi đến các ngân hàng tại Italy, các ngân hàng Italy đều thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng họ đã nhận được bộ chứng từ từ DHL nhưng là các bản photocopy không phải bản gốc; hoặc có trường hợp là giấy trắng.
Hiện tại, các doanh nghiệp rất lo lắng vì không biết bộ chứng từ gốc ở đâu do đó, hàng hóa có thể sẽ bị chiếm đoạt.
Do hàng được giao làm nhiều đợt nên đã có những container đến cảng Italy, một số đang sắp tới. Phát hiện dấu hiệu lừa đảo, các doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam đã nỗ lực tìm cách giữ hàng, thu hồi bộ chứng từ.
Tính đến chiều 9/3/2022, còn lại 36 bộ chứng từ của 36 container bị “mất kiểm soát” của các doanh nghiệp và ngân hàng.
Từ vụ việc nghiêm trọng này, Hiệp hội Điều Việt Nam khẩn thiết và kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, Ngành liên quan và Interpol Vietnam trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp với mục tiêu: Giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp Việt Nam đươc nhận lại hàng.