Chuyển động Nhà nông 15/3.
Xuất khẩu rau quả giảm mạnh vì thị trường Trung Quốc không còn dễ tính
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu rau quả trong tháng 2 đạt 217 triệu USD, giảm 14% so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt 509 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm mạnh, chỉ đạt 261 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài nguyên nhân ùn tắc tại các cửa khẩu, việc Trung Quốc áp dụng Lệnh 248 và 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm từ ngày 1/1/2022 cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này. Việc phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm và chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp.
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc dự báo phục hồi trong năm 2022
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong năm nay dự kiến phục hồi khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu nghiêm ngặt. Năm 2022, nhập khẩu tôm của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh, nhất là khi nguồn cung tôm lớn là Ecuador đang có kế hoạch giành lại thị phần trên thị trường này sau khi bị sụt giảm trong năm 2020 và 2021 do bị phát hiện Sars-CoV-2 trên bao bì sản phẩm. Tính tới 15/2/2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 23 triệu USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù, xuất khẩu trong thời điểm đầu năm chưa tăng nhưng tốc độ giảm đã thấp hơn so với đà giảm của năm ngoái. VASEP cho rằng vấn đề lớn nhất là các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ vệ sinh khử khuẩn nhất là khâu bốc dỡ để giảm thiểu các lô hàng có thể bị cảnh báo chỉ tiêu liên quan đến Covid-19.
Căng thẳng Nga - Ukraine không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu điều của Việt Nam
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 2, xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 25 nghìn tấn, tương đương 151 triệu USD, giảm 37% về lượng và giá trị so với tháng 1, nhưng tăng 15% về lượng và tăng 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 65,5 nghìn tấn, trị giá 389 triệu USD, không biến động nhiều so với cùng kỳ năm 2021. Giá điều xuất khẩu ổn định so với cùng kỳ, đạt mức 5.943 USD/tấn. Cục Xuất nhập khẩu khẳng định lượng hạt điều xuất khẩu sang Nga ở mức thấp. Do vậy, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine không tác động nhiều đến xuất khẩu điều của Việt Nam.
Ukraine cấm xuất khẩu phân bón khiến thị trường phân bón toàn cầu thêm căng thẳng
Giá phân bón thế giới bước sang năm 2022 tăng chậm lại, nhưng đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi Nga thông báo tạm dừng xuất khẩu phân bón. Việc Ukraine cấm xuất khẩu phân bón chắc chắn sẽ khiến thị trường ngành hàng này càng thêm căng thẳng.
Cụ thể, giá hầu hết các loại phân bón trên thị trường thế giới đều tăng từ đầu tháng 3/2022 so với tháng trước đó, với mức tăng trung bình 5%. Phân DAP hiện có giá khoảng 879 USD / tấn, MAP 937 USD / tấn, kali 815 USD / tấn, UAN28 603 USD (giá cao nhất mọi thời đại) và UAN32 703 USD / tấn, urea 887 USD / tấn, tất cả đều tăng so với tuần trước và so với cùng kỳ tháng trước. Theo Cục BVTV, căng thẳng xung đột giữa Nga-Ukraine tác động mạnh tới nguồn cung và giá phân bón trên toàn cầu, trong đó thị trường phân bón trong nước cũng bị ảnh hưởng về nguồn cung và giá. Việc nhập khẩu phân bón từ Nga gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với phân kali do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng kali cung cấp trên toàn thế giới.