Mới đây, giá xăng dầu tại Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục từ trước đến nay khi giá bán lẻ xăng Ron A95 gần chạm mốc 30.000đ/lít. Điều này ảnh hưởng mọi mặt đến đời sống của người dân và ngành dịch vụ vận tải đang điêu đứng khi giá xăng tăng.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vào giữa năm 2021 với nhiều lần giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành dịch vụ vận tải taxi. Nhiều người dân mua xe ô tô để chạy taxi công nghệ theo hình thức trả góp đã phải vội bán xe để trở nợ ngân hàng khi nhiều tháng không thể hoạt động vì dịch.
Bước sang năm 2022, khi hoạt động kinh doanh đang vào guồng thì ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá xăng dầu tăng cao. Điều này khiến thu nhập của tài xế taxi công nghệ bị sụt giảm dù trước đó, một số hãng đã thông báo tăng giá cước vận tải.
Cụ thể, đối với dịch vụ taxi công nghệ GrabCar, giá cước đã tăng 2.000-3.000 đồng/km. Giá cước tối thiểu cho dịch vụ này ở 2km đầu tiên là 29.000 đồng/km, những km tiếp theo 10.000 đồng/km. Giá cước trên chưa bao gồm phí nền tảng và các loại phụ phí khác và có thể tăng phụ thuộc vào giờ cao điểm, nhu cầu tăng cao của khách hàng.
Mặc dù giá cước đã tăng trước khi giá xăng dầu tăng, nhưng tài xế taxi công nghệ vẫn điêu đứng khi thu nhập hiện nay đã sụt giảm đáng kể.
Theo chia sẻ của anh Lê Văn Quyền - tài xế taxi công nghệ: "Hiện nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên khách hàng giảm đáng kể so với thời điểm trước dịch. Lượng khách giảm là một nhẽ, thu nhập của chúng tôi cũng giảm đáng kể do giá xăng tăng cao quá.
Chạy KIA Morning giờ đổ hơn 1 triệu đồng mới đầy bình, trong khi đó chỉ đi được khoảng 500km, trung bình 2.000 đồng/km. Cộng tất cả các chi phí khác và chiết khấu cho Grab vào khoảng hơn 5.000 đồng/km mà giá cước 10.000 đồng/km khiến thu nhập của tôi giảm so với trước vì xe chạy không khách khá nhiều. Trước đây, mỗi ngày thu nhập trung bình 1.500.000 đồng thì giờ trừ chi phí chỉ khoảng 700.000 đồng/ngày, chưa tính khấu hao xe".
Cũng cùng tâm trạng với anh Quyền, một tài xế khác cũng cho rằng, giá xăng tăng cao ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của anh lái xe. Trong khi đó, hãng taxi công nghệ không có chương trình hỗ trợ tài xế trên quãng đường đón khách.
Với thực trạng trên, nhiều tài xế đã tắt ứng dụng để phản đối và muốn hãng giảm chiết khấu hoặc tăng giá cước đề bù đắp, cải thiện thu nhập cho anh em lái xe. Tuy nhiên, biện pháp tắt ứng dụng của các tài xế không nhận được hồi đáp đến từ các hãng xe công nghệ.
Trong khi đó, một tài xế hãng taxi Thăng Long cho biết: "Từ lúc bùng phát dịch, thu nhập của anh em taxi truyền thống cũng sụt giảm mạnh vì lượng khách hàng giảm đi trong thấy mà giá cước không tăng. Giờ đây, tôi cố bám trụ khi thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng, không biết tình trạng này còn duy trì đến khi nào, giá xăng tăng càng khiến thu nhập giảm sút".