Sáng nay (16/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn với một số nhóm vấn đề "nóng" thuộc ngành công thương với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.
Phát biểu khai mạc phiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ thực hiện chất vấn hai nhóm vấn đề. Thứ nhất là nhóm vấn đề thuộc ngành công thương, liên quan trực tiếp đến Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
"Đây là hai nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Ngay từ đầu phiên chất vấn, các đại biểu từ các tỉnh Hưng Yên, Lạng Sơn,… đã tập trung đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về việc điều hành nguồn cung xăng dầu, tình trạng giá xăng tăng và giải pháp.
Trả lời các nội dung trên, vị Tư lệnh ngành công thương cho biết, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm hoạt động công suất xuống 45 – 50%, hiện công suất hoạt động cao nhất cũng chỉ đạt 80%.
Do đó, ngay từ đầu tháng 1/2022, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ cũng như yêu cầu các doanh nghiệp, thương nhân có chức năng nhập khẩu phải nhập đủ sản lượng do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thiếu hụt.
"Tính đến giữa tháng 2, chúng ta có thể khẳng định, nguồn cung xăng dầu đủ cung cấp đến hết tháng 3. Theo các số liệu báo cáo, thời điểm đó, chúng ta tồn dư 1,2 triệu khối, lượng sản xuất ra là 900 m3, nhập khẩu 900.000 m3. Như vậy, chúng ta có khoảng 3 triệu m3, nhu cầu trung bình tháng là 1,9 triệu m3. Do đó, phải đến hết tháng 3 mới sử dụng hết số xăng dầu nêu trên.
Các doanh nghiệp cũng đã được chỉ đạo tăng lượng nhập khẩu từ 500.000 m3 lên hơn 1 triệu m3. Nguồn cung có thể khẳng định không bao giờ thiếu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Về nội dung giá xăng tăng "phi mã" thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, biên độ tăng giá của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với thế giới. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương lấy dẫn chứng, biên độ tăng giá của thế giới là 40 – 60%, của Việt Nam là 29 – 40%. Như vậy, mức tăng lớn nhất của Việt Nam vẫn ở ngưỡng thấp nhất của thế giới.
Đối với tình trạng các cửa hàng xăng dầu đóng cửa thời gian qua, ông Diên cho biết, cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Vừa qua, ngành quản lý thị trường đã kiểm tra 16.800. Trong đó, số vi phạm phát hiện ra rất ít, chỉ khoảng 211, có cửa hàng dừng bán hàng vì lý do kỹ thuật, có cửa hàng "găm hàng chờ giá".
"Tuy nhiên, tình trạng nhiều cửa hàng nêu rõ về việc thiếu nguồn cung là có thật. Cụ thể, các cửa hàng này lấy xăng dầu nguồn từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, khi đơn vị này giảm công suất việc thiếu hàng khó tránh khỏi", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận và nêu nguyên nhân.
Liên quan đến nguồn cung xăng dầu trong nước, ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) và ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt vấn đề về việc: Nguồn cung xăng dầu thiếu phải nhập khẩu, vậy vai trò của các nhà máy trong nước là như thế nào? Vấn đề Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang gặp phải là gì?
Trả lời tranh luận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, vai trò của nhà máy trong nước hiện nay là một ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung trong nước. "Có những thời điểm, chúng ta không có nhà máy lọc dầu nào nhưng đất nước này chưa từng thiếu xăng dầu. Giả định các nước có nhà máy lọc dầu, nếu không áp dụng các biện pháp điều hành như thuế, Quỹ Bình ổn thì giá xăng tại các nước này không chênh lệch nhiều so với giá thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu và cũng thừa nhận tình trạng các nhà máy lọc dầu trong nước chưa đáp ứng được nguồn cung xăng dầu.
Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc dầu lớn. Nhà máy Bình Sơn do PVN đầu tư hoạt động ổn định, công suất cung cấp 30-35%. Nhưng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là nhà máy liên doanh với đối tác nước ngoài thì hoạt động không hiệu quả.
Về khó khăn nội tại của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, ông Diên cho rằng chủ yếu là vấn đề tài chính. Trong đó, PVN với tư cách là một bên tham gia liên doanh đã báo cáo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Qua đó, hai đơn vị đang đàm phán, đấu tranh với 2 đơn vị kia nhằm đảm bảo nguồn cung theo đúng cam kết.
"Cũng theo báo cáo từ phía PVN, nguồn nguyên liệu đầu vào của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn 100% nhập khẩu từ Kuwait. Trong bối cảnh nguồn cung tăng giá, việc khan hiếm nguồn cung là không thể tránh
Chúng tôi cam kết khi nào Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đặc biệt là PVN cam kết chắc chắn trước Bộ Công Thương về việc sản lượng cung cấp từ nhà máy Nghi Sơn đảm bảo đầu đủ nguồn cung. Khi đó, Bộ Công Thương mới dừng kế hoạch nhập khẩu xăng dầu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.