Hà Nội: Bí ẩn về tượng đá không đầu ngự trong am Mỵ Châu ở thành Cổ Loa
Nhiều du khách khi đến thăm thành Cổ Loa (huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) ngỡ ngàng trước bức tượng đá kỳ lạ hình dạng người phụ nữ không có đầu đang ngồi xếp bằng, hai tay buông dọc xuống gối.
Clip về câu chuyện tượng đá không đầu ngự trong Am Mỵ Châu ở thành Cổ Loa. Clip: Lan Anh
Am Mỵ Châu còn được gọi là am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu nằm ở phía Tây đình Ngự Triều Di Quy, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội. Đến nay, người dân ở vùng Cổ Loa vẫn tin rằng, bức tượng đá không đầu thờ trong am là thân xác của Công chúa Mỵ Châu sau khi bị vua cha chém đầu, đã hóa đá và trôi ngược theo dòng sông từ cửa biển về đến tận đất kinh thành xưa.
Cổng vòm của am mang đậm nét cổ kính. Phía trước am thờ có một cây đa tương truyền là do Vua Ngô Quyền trồng.
Am Mỵ Châu quay hướng nam, trên một khu đất có diện tích 929,40 m². Tổng thể khu am thờ gồm có các kiến trúc tiền tế, hậu cung và nhà thủ từ.
Đi tiếp vào phía trong, trước hậu cung có ban thờ "thập nhị cô" - những người hầu thân cận của công chúa, có đôi câu đối trên trụ 2 bên ban thờ.
Bức tượng đá không đầu ngự trong am Mỵ Châu ở thành Cổ Loa. Theo những người trông coi am, thì bức tượng đã có từ 2.400 năm trước, tức đúng vào thời vua An Dương Vương. Ban đầu là tượng để “trần”, sau đó người dân cúng tiến áo lụa đính những hạt châu sa lấp lánh để khoác vào cho tượng.
Bảng thông tin giới thiệu sơ lược về Am Mỵ Châu.
Bà Chu Minh Nương, hướng dẫn viên khu di tích tại thành Cổ Loa cho biết, câu chuyện về tượng đá hình người không đầu trong mm thờ Mỵ Châu đến nay vẫn là một bí ẩn lạ kỳ. Du khách gần xa mỗi lần về thăm thành Cổ Loa đều ghé am nhỏ thờ nàng Mỵ Châu với mong muốn nghe kể lại sự tích thần bí ấy.
Kiến trúc am thờ gồm 2 tòa tiền tế và hậu cung, bố cục chữ định, cách nhau một khoảng sân nhỏ. Tiền tế cấu trúc 3 gian 4 hàng chân, tường hồi bít đốc, hậu cung xây gạch.