Trong khi trên nghị trường sáng 16/3, Bộ trưởng Công Thương đang cho biết biên độ tăng giá xăng dầu ở Việt Nam còn là thấp so với thế giới, thì ngoài chợ, một cơn bão đã manh nha hình thành: Cơn bão giá.
Sau đợt tăng giá gần nhất và cũng là mạnh nhất với mức tăng 2.990 đồng/lít, tương đương 11%, giá xăng tiệm cận mốc 30.000 đồng. So với thời điểm một năm trước, ngày 27/3/2021, sau khi điều chỉnh tăng, giá xăng cao nhất là 19.100 đồng/lít, thì giá hiện tại đã tăng gấp rưỡi.
Cũng so trong cùng khung thời gian, theo khảo sát của một tờ báo lớn, mặt hàng liên quan trực tiếp đến xăng dầu là gas đã tăng giá 35%, từ mức 370.000 đồng/bình 12kg lên mức 500.000 đồng. Ngoài chợ, một loạt hàng hóa thiết yếu không chịu ngồi yên: Đường tăng giá 67%, mắm 28%, dầu ăn 23%, gạo 7%. Đến gói mì tôm cũng đội giá 25%. Khách hàng của các hãng bia sẽ phải tốn thêm 13% chi phí. Sữa nhẹ nhàng hơn, tăng giá 5-6%.
Xăng dầu là đầu vào nhiên liệu cơ bản trong nền kinh tế. Việc giá cả hầu hết các hàng hóa tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu là điều tất yếu. Giá nhà cho thuê sẽ lên, vì ông chủ nhà phải chi thêm tiền mua xăng, mua gạo muối. Nhà trường phải thu thêm tiền ăn, tiền bán trú cho học sinh. Giá tô phở ăn sáng cho tới ly trà đá thảy đều sẽ đua nhau mà lên.
Các doanh nghiệp, để tồn tại trong bối cảnh mọi chi phí nguyên liệu đầu vào đều bị đội lên, chẳng có cách nào khác ngoài tăng giá bán và cố gắng hạn chế chi phí. Một trong những chi phí được "tạo điều kiện" để không bị tăng trong 2 năm nay chính là lương. Lương tối thiểu đã 2 năm không điều chỉnh tăng, tạo điều kiện đủ tốt để doanh nghiệp không bị sức ép phải tăng lương cho người lao động.
Bao nhiêu sức ép đó dồn hết vào người làm công ăn lương.
Từ năm 2019 đến nay, lương tối thiểu cho vùng 1 (là vùng có mức lương cao nhất) vẫn giữ ở mức hơn 4,4 triệu đồng/tháng. Tất nhiên phần lớn doanh nghiệp trả lương cao hơn mức lương tối thiểu, nhưng không ít nơi chỉ trả cao hơn khoảng 7-10% mà thôi, theo báo VnExpress. Tuy nhiên theo các khảo sát, ở những vùng này (gồm các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), chi phí đủ cho 1 người sống được lên đến 7-8 triệu đồng/tháng. Quá dễ để thấy, mức lương tối thiểu vốn không đủ chi trả cho cuộc sống tối thiểu.
Những người lao động may mắn có mức lương đỡ hơn, như vợ chồng anh Nông Văn Hiếu, làm việc tại một KCN ở Hà Nội, có thể kiếm được trên dưới 15 triệu đồng/tháng. Nói là may mắn, vì thu nhập như vậy cao hơn khá nhiều so với thu nhập trung bình năm 2021 của người Việt (5,7 triệu đồng/tháng, theo công bố của Tổng cục Thống kê), và nhỉnh hơn chút ít so với thu nhập trung bình của người lao động thành thị (7 triệu đồng/tháng).
Nếu khéo tiết kiệm, sau khi chi tiêu các khoản ăn uống, con cái, trả tiền thuê trọ… họ có thể dành ra mỗi tháng một số tiền nho nhỏ, chừng 10-15% tổng thu nhập. Khoản tiết kiệm chẳng đủ để mua sắm gì to tát, nhưng ít nhất nó như một lá bùa hộ mệnh, giữ cho họ tạm an toàn vào những lúc khó khăn cơ nhỡ, đau ốm hay công việc khó khăn trong suốt 2 năm đại dịch. Một tấm khiên mỏng - thế cũng là may mắn hơn nhiều những người "ráo mồ hôi là hết tiền", hoàn toàn không có chút gì bảo hiểm cho ngày mai.
Cơ quan thống kê của nhà nước cũng ghi nhận rằng, thu nhập trung bình của người lao động năm 2021 chẳng những không tăng, mà còn giảm chút ít so với năm 2020.
Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống - đó là câu nói trong điều kiện "thời tiết" bình thường. Từ đầu năm trở lại đây, cao điểm là từ ngày 11/3 khi giá xăng được đẩy lên sát mốc 30.000 đồng/lít và nhiều mặt hàng tiêu dùng theo nhau tăng giá, thì gió bắt đầu thành bão. Bão giá tràn đến, tấm khiên mỏng dựng lên nhờ khoản tiết kiệm còm cõi của những gia đình như vợ chồng anh Hiếu sẽ dễ dàng bị thổi bay.
Đây đó, đã bắt đầu có những người kiệt sức. Chị Nguyễn Thị Lê Nữ, vừa bán cơm sáng cho công nhân, vừa làm tăng ca cho một xưởng gỗ ở Bình Dương, mới kiếm tạm đủ tiền lo cho gia đình nhỏ. Nhưng từ khi giá rau củ tăng lên gấp đôi, giá gas tăng lên mức 500 ngàn đồng, nguồn tiền từ xoong cơm sáng vụt biến đâu mất khiến chị chới với. "Chẳng biết khi nào ngã quỵ" - chị nói vậy. Thậm chí đến các sinh viên chỉ dám ăn mì tôm cũng thấy rõ sức ép giá cả, vì đến mì tôm cũng tăng giá rồi.
Suốt hai năm qua, trong vòng vây dịch bệnh, chịu sức ép thiếu việc làm, những người lao động nghèo nhất phải chấp nhận "nhịn" tăng lương tối thiểu, dành nguồn lực cho cả nước chống dịch và hỗ trợ phát triển kinh tế. Nhờ đó năm 2021 kinh tế cả nước vẫn tăng trưởng, tổng thu ngân sách vượt dự toán. Chỉ có túi tiền người nghèo là cứ vơi. Tăng lương tối thiểu và lương thực tế, dù không bù đắp hết mức tăng giá cả, cũng là biện pháp gia cố cần thiết để người nghèo chống chọi với bão giá.
Vì cơn bão, rất có thể, chỉ mới là bắt đầu mà thôi.