Trong công văn đề gửi các phòng GDĐT quận, huyện, thị xã; các đơn vị trường học; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trên địa bàn, Sở GDĐT Hà Nội đề nghị các trường học, cơ sở giáo dục thực hiện tổ chức dạy và học trực tiếp gắn với đảm bảm an toàn phòng chống dịch, kiểm soát và xử lý kịp thời các ca nhiễm, giữ mức độ an toàn cao nhất cho học sinh và giáo viên.
Cụ thể, các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin, quy định về công tác phòng chống dịch trong nhà trường của Bộ Y tế, Bộ GDĐT và các văn bản hướng dẫn của TP; bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, kịp thời, chủ động xây dựng phương án tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12, đặc biệt quan tâm đến học sinh khối lớp 9 và 12.
Sở GDĐT giao các phòng GDĐT quận, huyện, thị xã là đầu mối tổng hợp, tham mưu với UBND quận, huyện, thị xã trong việc xem xét, phê duyệt phương án dạy học trực tiếp của các nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn an toàn, linh hoạt, hiệu quả.
Theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Trần Lưu Hoa, hiện tình hình dạy học trực tiếp tại các trường học trên địa bàn vẫn đảm bảo và duy trì thích ứng linh hoạt theo các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo của TP, ngành giáo dục, đồng thời đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, cập nhật thông tin đầy đủ liên quan đến công tác phòng, chống dịch; tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục kịp thời báo cáo, xây dựng các phương án phù hợp với tình hình thực tế để cho học sinh trở lại trường.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Trịnh Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân cho biết: "Tuần sau, khối 7, 8, 9 của trường đi học trực tiếp. Trong đó, khối 8, 9 học sinh học buổi sáng và khối 7 học buổi chiều. Khối 6 tiếp tục học online theo chỉ đạo của Thành phố.
Nhà trường vẫn bảo đảm các công tác phòng chống dịch và nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, đặc biệt là với học sinh khối 9".
Chia sẻ về việc Sở GDĐT để các quận, huyện, thị xã chủ động xem xét quyết định cho học sinh đi học, cô Vân cho hay: "Các trường đều yên tâm và thực hiện theo đúng chỉ đạo của các cấp".
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho biết: "Việc Sở GDĐT không ra quyết định mà trao quyền cho các quận, huyện là hợp lý trong tình hình mới".
Theo thầy Khang, khó khăn lớn nhất bây giờ không phải ở các cấp chính quyền mà ở tâm lý phụ huynh, gia đình. Dù chủ trương là các trường chủ động mở cửa đón học sinh đi học trực tiếp nhưng một số nơi phụ huynh vẫn lo lắng khi con đi học trực tiếp. Đặc biệt là học sinh lớp 1-6.
Về phía nhà trường, thầy Khang cũng bày tỏ "sốt ruột" khi học sinh cấp tiểu học, mẫu giáo chưa được đến trường ngày nào. "Đi học cũng dở mà không đi học cũng dở. Đi học thì thành phố chưa cho phép, nếu cho phép thì các con đi học thế nào đây? Nếu ở nhà thì "đứt đoạn" suốt 1 năm với biết bao nhiêu hệ lụy", thầy Khang cho hay.
Bà Trần Thị Hương, Phó trưởng Phòng GDĐT quận Tây Hồ chia sẻ: "Từ trước đến nay Sở vẫn trao quyền chủ động cho các quận, huyện cho học sinh đi học tùy theo cấp độ dịch. Hiện tại theo chỉ đạo mới, việc cho học sinh đi học trực tiếp hay trực tuyến sẽ không theo cấp độ dịch mà theo tình hình thực tế từng quận, huyện. Các trường chủ động, linh hoạt tình hình hàng ngày để triển khai thực hiện. Dù căn cứ từ đâu cũng bảo đảm an toàn nhất trong công tác phòng chống dịch".
Một giáo viên THPT ở quận Cầu Giấy cho hay: "Việc đi học trực tiếp hiện nay vô cùng quan trọng với học sinh vì các em đang bước vào nửa cuối học kỳ 2. "Giai đoạn vàng" không còn nhiều nên học sinh cần tập trung ôn tập thật tốt để vượt qua các kỳ thi trước mắt".