Dân Việt

Kiểm toán chỉ ra loạt "vấn đề" tại Tổng công ty Sông Hồng

Quang Dân 21/03/2022 09:57 GMT+7
Tại Tổng công ty Sông Hồng, Thép Sông Hồng không phải là đơn vị duy nhất mà đơn vị chủ quản thất bại trong quá trình tái cơ cấu. Khoản đầu tư vào Thép Sông Hồng có giá trị lớn nhất trong 27 khoản đầu tư của Tổng Công ty Sông Hồng vào các đơn vị.

Mục tiêu 2021 - 2025 nộp ngân sách tối thiểu 248.000 tỷ đồng từ cơ cấu lại DNNN

Vừa qua (ngày 17/3), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 360/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”.

Trong quyết định này nêu rõ, cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ. Xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.

Đề án nêu trong giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu nộp ngân sách nhà nước tối thiểu 248.000 tỷ đồng từ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Đáng chú ý, không lâu trước khi đề án được đưa ra, sự kiện Tổng công ty Sông Hồng (SHG) có nguy cơ mất trắng hơn trăm tỷ đồng vốn góp tại Công ty CP Thép Sông Hồng - khi nhà sản xuất thép này bị tiến hành thủ tục giải thể, và bị yêu cầu mở thủ tục phá sản - cũng được xem là điển hình cho việc cần phải cơ cấu lại hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Bởi, tại SHG, Thép Sông Hồng không phải là đơn vị duy nhất mà đơn vị chủ quản thất bại trong quá trình tái cơ cấu.

Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhìn từ Tổng công ty Sông Hồng - Ảnh 1.

Nghịch lý Thép Sông Hồng đang sở hữu khối tài có giá đến nghìn tỷ nhưng Tổng Công ty Sông Hồng đang phải trích lập dự phòng mất vốn đầu tư vào đây. Ảnh: Quang Dân.

Trước đó, thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2014-2015 theo Nghị quyết của Trung ương khóa IX và sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng về nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 3351/BXD-QLDN ngày 18/12/2014 về việc chấp thuận phương án tái cấu trúc và nâng cao quản trị Tổng Công ty giai đoạn 2014-2015 và mục tiêu 2020.

Theo đó, Tổng Công ty Sông Hồng sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư tại 17 đơn vị bao gồm, Công ty Cổ phần Xây dựng đô thị Sông Hồng, Công ty Cổ phần Sông Hồng Thăng Long, Công ty Cổ phần Sông Hồng 8, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng Công trình Giao thông Hà Nội, Công ty Cổ phần Sông Hồng Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Thép Sông Hồng, Công ty Cổ phần Nhân lực quốc tế và Thương mại Sông Hồng, Công ty Cổ phần Sông Hồng Miền Trung, Công ty Cổ phần Sông Hồng 36, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Sông Hồng, Công ty Cổ phần Sông Hồng Bình Tây, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Sông Hồng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Hồng 9, Công ty Cổ phần Sông Hồng Tây Đô, Công ty Cổ phần Sông Hồng 6, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh BĐS Hà Nội Sông Hồng, Công ty Cổ phần Sông Hồng Đại Phát.

Kiểm toán chỉ ra loạt vấn đề tại Tổng công ty Sông Hồng

Đến cuối tháng 6/2021 trên báo cáo tài chính bán niên đã soát sét SHG mẹ cho thấy,  Tổng Công ty Sông Hồng có 7 khoản đầu tư vào công ty con, 13 khoản đầu tư vào các công ty liên kết và 7 khoản đầu tư vào các công ty khác. 11/17 đơn vị có tên trong danh sách thoái toàn bộ vốn theo Công văn số 3351/BXD-QLDN ngày 18/12/2014 vẫn còn trên báo cáo tài chính của Tổng Công ty Sông Hồng. Hơn nữa, trong khoảng 27 khoản đầu tư có giá trị đầu tư gốc gần 284 tỷ đồng, Tổng Công ty Sông Hồng phải trích lập dự phòng gần hết, với tổng giá trị trích lập gần 219 tỷ đồng.

Kiểm toán chỉ ra loạt "vấn đề" tại Tổng công ty Sông Hồng - Ảnh 2.

Khoản đầu tư vào Thép Sông Hồng có giá trị lớn nhất trong 27 khoản đầu tư của Tổng Công ty Sông Hồng vào các đơn vị. Hiện Tổng Công ty Sông Hồng phải trích lập dự phòng toàn bộ khoản đầu tư vào Thép Sông Hồng.

Đáng nói hơn, tại báo cáo tài chính này, kiểm toán cũng đã đưa ra các cơ sở kết luận ngoại trừ đối với các công ty thuộc SHG.

Trong đó, Tổng công ty và các công ty con chưa có biên bản đối chiếu các khoản nợ phải trả tại thời điểm 30/6/2021 với số tiền lần lượt là 118,4 tỷ đồng và 356,3 tỷ đồng. Đồng thời, tại thời điểm lập báo cáo tài chính, SHG cũng chưa trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi.

Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhìn từ Tổng công ty Sông Hồng - Ảnh 2.

Tổng công ty Sông Hồng đang phải trích lập dự phòng hầu hết các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết và công ty thành viên khác.

Ngoài ra, do cách thức quản lý của các Công ty con nên kiểm toán viên không thể tham gia soát xét hàng tồn kho tại ngày 30/6/2021 của các Công ty con, với các thông tin đã được cung cấp và bằng các thủ tục thay thế đã thực hiện, kiểm toán vẫn không thể đánh giá tính hiện hữu, đầy đủ, giá trị cần dự phòng giảm giá của khoản mục hàng tồn kho trên Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ kèm theo của Tổng Công ty tại ngày 30/6/2021 với giá trị là 208,3 tỷ đồng.

"Do đó, chúng tôi không thể đưa ra kết luận về tính hiện hữu, đầy đủ, giá trị cần dự phòng giảm giá của khoản mục hàng tồn kho cũng như ảnh hưởng của chúng đối với các khoản mục khác trên Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ tại ngày 30/6/2021 của Tổng Công ty", kiểm toán viên nhấn mạnh.

Ngoài ra, Tổng Công ty chưa thu thập được Báo cáo tài chính cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2021 của Công ty Cổ phần Sông Hồng Đà Nẵng là Công ty con của Tổng Công ty (do Công ty này đã dừng hoạt động và không có cán bộ quản lý và kế toán). Số liệu được sử dụng để lập Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Tổng Công ty là số liệu trên Báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2016.

Do đó, kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng về số liệu Tài sản (50,97 tỷ đồng), Nợ phải trả (62,05 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu (âm 11,07 tỷ đồng) và các khoản mục liên quan của Công ty con nói trên được trình bày trong Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2021 của Tổng Công ty.

Tổng Công ty chưa thu thập được Báo cáo tài chính cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2021 của 10 Công ty liên kết, đơn cử như Công ty CP Thép Sông Hồng, Công ty CP Sông Hồng 36, Công ty CP Sông Hồng 8 (Metroco Sông Hồng)..với giá trị đầu tư là 144,3 tỷ đồng và các công ty nhận đầu tư dài hạn khác với giá trị đầu tư là 8,2 tỷ đồng.

"Chúng tôi không thể đưa ra kết luận về giá trị của các khoản đầu tư tài chính nói trên cũng như ảnh hưởng của chúng đối với các khoản mục khác trên Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2021 của Tổng Công ty", kiểm toán viên nêu rõ.

Dữ liệu báo cáo tài chính cho thấy, Tổng công ty Sông Hồng đang phải trích lập dự phòng 82/84 tỷ đồng đã đầu tư vào 7 công ty con khác trong nhiều lĩnh vực, tương đương gần 98% giá trị đầu tư.

Với các khoản đầu tư vào công ty liên kết, trong tổng số 192 tỷ đồng đã rót vốn vào các công ty này, Sông Hồng cũng đang phải trích lập dự phòng gần 134 tỷ.

Bài 2: Ai chịu trách nhiệm cho những thương vụ bốc hơi tài sản công ở Tổng Công ty Sông Hồng?