Dân Việt

Chủ tịch Quốc hội: “Cuộc sống không có bảo hiểm như đi cầu thang không có tay vịn”

Thành An 22/03/2022 12:35 GMT+7
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: "Cuộc sống không có bảo hiểm thì không khác gì đi cầu thang không có tay vịn", cho nên Luật Kinh doanh bảo hiểm phải hài hòa lợi ích của người tham gia bảo hiểm và các công ty bảo hiểm.

Sáng 22/3, tại Phiên họp thứ 9 (đợt 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Cần tránh xu hướng "gọt gọt" cuối cùng lại "trượt" mất nội dung ban đầu

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo giải trình, tiếp thu trình ra Quốc hội phải nên nói rõ quá trình tiếp thu, giải trình như thế nào, so với dự thảo lần thứ nhất thì cơ quan thẩm tra và trình đã chỉnh lý, rà soát bao nhiêu điều, quy mô chỉnh lý ra sao…

Ông Huệ đề nghị cần tránh sa vào kỹ thuật văn bản đơn thuần, mà phải khẳng định, phải khẳng định đến thời điểm trình thông qua, dự án luật, đánh giá thẩm tra đã đảm bảo mục đích, yêu cầu luật này hay chưa.

"Chẳng hạn luật Kinh doanh bảo hiểm đặt ra yêu cầu gì khi sửa và đối chiếu với dự thảo thì đạt được yêu cầu hay không. Phải làm thế chứ nếu không ra Quốc hội mênh mông bể sở. Ý kiến rất nhiều, tiếp thu rất nhiều nhưng lại đưa đại biểu vào khó khăn trong quyết định", ông Huệ nói rõ.

Chủ tịch Quốc hội: Cuộc sống không có bảo hiểm như đi cầu thang không có tay vịn - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Quochoi.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tránh xu hướng "gọt gọt" cuối cùng lại "trượt" mất nội dung ban đầu. "Muốn sửa gì thì sửa nhưng phải căn cơ, nguyên tắc khi làm luật này. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải nói rõ, mục tiêu, yêu cầu của dự án luật đã đạt được hay chưa", ông Huệ nhấn mạnh.

Đáng chú ý, theo Chủ tịch Quốc hội, việc này cũng thể hiện vai trò của 2 cơ quan là cơ quan trình và thẩm tra. "Lần trình thứ 2 là vai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng đổi hay không trách nhiệm của 2 cơ quan không có bên nào nhẹ hơn bên nào. Chứ không sau này nói, luật này nó thế là vì các anh chứ không phải vì tôi. Cơ quan soạn thảo phải bảo vệ theo sát đến cùng vì không ai hiểu hơn luật đó bằng cơ quan trình", ông Huệ nêu.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi khi soạn thảo đặt ra nhiều mục tiêu như tiếp cận công nghệ quốc tế, phù hợp với cam kết, điều ước quốc tế hay công khai minh bạch để tạo điều kiện cho thị trường này phát triển.

"Như lần trước chúng ta nói, cuộc sống mà không có bảo hiểm như đi cầu thang không có tay vịn. Thị trường bảo hiểm tại Việt Nam còn rất tiềm năng. Đây cũng là ngành Đảng, Nhà nước ưu tiên đẩy nhanh phát triển, thậm chí tốc độ tăng trưởng gấp mấy lần GDP cũng tốt", ông Huệ nói.

"Đưa phân loại ra làm gì, tôi chưa hiểu đưa ra làm gì..."

Góp ý cụ thể vào dự án luật, Chủ tịch Quốc hội tán thành với các ý kiến của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế về việc bỏ quy định chi tiết về bảo hiểm vi mô cũng như bỏ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Bên cạnh đó, quy định về các loại hình bảo hiểm trong dự thảo luật cũng còn lộn xộn, chưa rõ ý đồ của cơ quan soạn thảo khi đưa vấn đề này vào dự thảo luật.

"Đưa phân loại ra làm gì, tôi chưa hiểu đưa ra làm gì. Các đồng chí rà lại. Nếu có thì nên phân loại như thế nào. Tôi thấy không nhất quán trong luật này", ông Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội: Cuộc sống không có bảo hiểm như đi cầu thang không có tay vịn - Ảnh 2.

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (22/3). Ảnh: Quochoi.

Người đứng đầu Quốc hội cũng bày tỏ không đồng tình với quy định về kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp bảo hiểm vì cho rằng, theo quy định thì "nhà nước đang can thiệp quá sâu vào tổ chức của doanh nghiệp".

"Quy định thế này thì nặng nề. Cứ phải thế này, phải thế kia. Nói như các cháu bây giờ là nghe có cái gì sai sai", ông Huệ nói và cho rằng, nếu quy định cứng vào dự thảo luật và văn bản hướng dẫn là kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm nằm ở đâu, trực thuộc ai thì "mệt quá".

"Các công ty không phải chỗ nào cũng có chiến lược kinh doanh, bộ phận pháp lý, thuê dịch vụ còn tốt, còn hơn. Chỗ này các đồng chí nên cân nhắc thêm. Mà như thế kiểm toán độc lập cũng chả có chỗ mà cung cấp dịch vụ", ông Huệ phân tích và cho rằng, quản phải chặt nhưng chưa chắc cái gì mình cũng làm như thế cũng tốt đâu.

Theo dự thảo luật, xây dựng bộ phận kiểm toán nội bộ là một điều kiện trước khi doanh nghiệp bảo hiểm chính thức hoạt động, cùng nhiều điều kiện khác.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị với môi trường kinh doanh điện tử với bảo hiểm cũng cần phải rà soát lại xem còn vấn đề gì cần quy định, sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho cái này có bước phát triển đột phá và bền vững sau khi luật này được ban hành.

Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 tháng 10/2021, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp 3, tháng 5/2022 tới đây.