Sáng ngày 21/3/2022, thông tin nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 86 tuổi khiến nhiều người không khỏi thương xót.
Hồng Đăng sinh năm 1936 tại Nghệ An. Tuy nhiên, ông lại gắn bó cả cuộc đời, từ lúc tuổi trẻ cho tới khi về già ở Hà Nội. Và vì sinh ra trong một gia đình trí thức, theo Tây học, chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Pháp nên ông càng gần gũi với "chất" Hà Nội lịch lãm, sang trọng.
Ai được tiếp xúc với ông ngoài đời cũng như nghe nhiều ca khúc của ông đều dễ hiểu vì sao nhiều người nhầm ông là người Hà Nội gốc. Và càng không bất ngờ khi nhạc sĩ được trao Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội (giải thưởng Bùi Xuân Phái) vài tháng trước.
Nhạc sĩ Hồng Đăng đã có nhiều cống hiến cho nền âm nhạc thủ đô, trong đó có các tác phẩm đã thành biểu tượng về Hà Nội như Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm reo hát..., đồng thời có đóng góp lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ ở Trường Âm nhạc Việt Nam (sau là Nhạc viện Hà Nội và nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Ông cũng sáng tác hơn 700 tác phẩm ở nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu… Trong đó, nhiều tác phẩm ông viết được sử dụng cho hơn 70 bộ phim, có thể kể đến những ca khúc nổi tiếng như: Hoa sữa (phim Hà Nội mùa chim làm tổ), Lênh đênh (phim Đời hát rong), Nỗi nhớ đêm đại dương (phim Những hạt muối của biển), Biển và cô gái tôi chưa quen (phim Những ngôi sao nhỏ), Không gian xanh (phim Vùng trời).
Sáng 17/3/2022, khán giả và nhiều nghệ sĩ không khỏi bàng hoàng với tin nhạc sĩ Ngọc Châu qua đời ở tuổi 55. Theo chia sẻ từ ca sĩ Khánh Linh - em gái nhạc sĩ Ngọc Châu và nhạc sĩ Đỗ Bảo, anh mất do mắc bệnh suy tim giai đoạn cuối.
Sinh năm 1967, nhạc sĩ Ngọc Châu trở thành một trong những nhạc sĩ nổi bật nhất Việt Nam trong thập niên 90. Nhiều sáng tác của anh đã trở thành một phần ký ức tươi đẹp của khán giả 8x, 9x. Một số ca khúc quen thuộc của Ngọc Châu được nhiều khán giả thuộc nằm lòng như Cô Tấm ngày nay, Thì thầm mùa xuân, Chiều xuân...
Những năm đầu 2000, dù đang nhận được nhiều sự chú ý, bỗng dưng nhạc sĩ Ngọc Châu vắng bóng trên các sân khấu. Mãi đến năm 2016, anh mới xuất hiện trở lại để ủng hộ cho em gái ruột là ca sĩ Khánh Linh phát hành đĩa đơn Mùa Yêu. Trong album này, Khánh Linh đã hát lại những ca khúc do anh trai sáng tác với bản phối đậm chất Jazz như Nụ hôn nồng cháy, Ngây thơ...
Ngoài công việc sáng tác, nhạc sĩ Ngọc Châu còn đảm nhiệm phần thu và mix âm thanh cho nhiều chương trình âm nhạc của VTV như Trò chơi âm nhạc, Bài hát Việt. Nhạc sĩ Ngọc Châu cũng từng là giám khảo của chương trình nổi tiếng một thời Sao Mai điểm hẹn.
Nhạc sĩ Văn Dung sinh ngày 15/1/1936, mất ngày 8/3/2022. Ông tốt nghiệp ngành báo chí, năm 1960 ông về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông tốt nghiệp trường Báo chí Trung ương (Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc), sau đó cuối năm 1960 ông về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam.
Một thời gian sau, nhạc sĩ Cầm Phong đã đề nghị nhạc sĩ Văn Dung tham gia làm biên tập âm nhạc. Nhạc sĩ Văn Dung đã không ngừng học hỏi, trau dồi những kiến thức âm nhạc từ các nhạc sĩ đồng nghiệp đi trước như nhạc sĩ Hoàng Vân... cũng như có nhiều chuyến đi thực tế tới các công trường xây dựng trên những tuyến lửa để sáng tác.
Trong những năm từ 1965 đến 1971, nhạc sĩ Văn Dung đã có dịp đi thực tế sáng tác ở Khe Sanh, Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào. Từ các chuyến đi đó, nhạc sỹ đã sáng tác các ca khúc nổi tiếng như: Giải phóng quân ta ra đi, Tiến về Khe Sanh, Đường Trường Sơn xe anh qua, Bài ca Đường 9 chiến thắng...
Sau này, nhạc sĩ Văn Dung còn sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi, thanh niên, ca khúc về các ngành nghề khác nhau, về những vùng miền khác nhau như Những bông hoa trong vườn Bác, Em đố mẹ em, Chim chích bông, Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Vinh quang công nhân Việt Nam, Trở về Bỉm Sơn, Tình ca đất mỏ...
Nghệ sĩ Tuấn Gà tên thật là Nguyễn Tuấn sinh năm 1977, mất ngày 23/2/2022. Cuộc đời anh nhiều sóng gió khi từ nhỏ đã phải phiêu bạt nhiều nơi. Anh viết bài "Cảm xúc giao mùa" khi mới 17 tuổi. Năm 1997, Tuấn Gà tham gia ban nhạc The Ocean của Đại học Hàng Hải và tham dự Liên hoan các ban nhạc sinh viên toàn quốc.
Giai đoạn 1998 - 2003, Tuấn Gà từng từ bỏ âm nhạc, anh vừa làm thợ xăm vừa kinh doanh. Thế nhưng, sau đó, anh đã trở lại sáng tác và viết nhạc ngày đêm cho thỏa nhớ mong.
Năm 2006, Tuấn Gà mang ca khúc Em là ai tham gia chương trình Bài hát Việt. Một năm sau, anh tiếp tục mang bài Tiếng gáy thời gian đến chương trình và nhận được giải Phối khí hiệu quả của tháng.
Tuấn Gà đã sáng tác hơn 100 ca khúc nhưng hầu như chỉ quảng bá với đồng nghiệp, bạn bè và người yêu nhạc indie. Âm nhạc của Tuấn Gà được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Cũng bởi vậy, sự ra đi của anh ở tuổi 47 khiến nhiều người hụt hẫng và tiếc nuối.