Ngày 22/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Hòa Bình về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng. Trong chuyến thăm và làm việc tại này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu.
Khi đề cập về nhiệm vụ năm 2022, Tổng Bí thư cho biết, đây là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; bên cạnh những thuận lợi, dự báo sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch Covid-19 có thể còn có những diễn biến phức tạp, kéo dài, nguy hiểm hơn, với những biến thể mới, có tốc độ lây lan nhanh...
Nhận thức được những thời cơ và thách thức đó, Tổng Bí thư đã hoan nghênh các cán bộ lãnh đạo tỉnh Hoà Bình đã đề ra được các nhiệm vụ, giải pháp khá cụ thể như Báo cáo mà Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình trình bày.
Tổng Bí thư đề nghị các vị lãnh đạo tỉnh sớm nghiên cứu và cụ thể hoá các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 mới đây của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Tỉnh Hoà Bình.
"Nhân đây tôi cũng xin thông báo với các đồng chí là chỉ ít ngày nữa Bộ Chính trị sẽ tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 này một cách căn cơ, bài bản", Tổng Bí thư nói, đồng thời lưu ý thêm một số vấn đề với tỉnh Hoà Bình.
Thứ nhất, công việc quan trọng hàng đầu hiện nay là phải tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế (vừa qua Bộ Chính trị đã cho ý kiến; Quốc hội đã họp phiên bất thường; Chính phủ triển khai nhiệm vụ năm 2022 đã thông qua chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 - 2023 và chương trình, giải pháp lớn phục hồi phát triển kinh tế - xã hội);
Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, quyết tâm giữ vững thành tích chống dịch của tỉnh trong thời gian qua; tiếp tục phát huy vai trò y tế cơ sở của các tổ Covid cộng đồng, sự vào cuộc ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, chăm lo đầy đủ và toàn diện hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát huy đoàn kết nội bộ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh.
Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW về "Những điều đảng viên không được làm", gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Thứ ba, phát huy tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, cân đối, hài hoà giữa các địa phương và giữa khu vực đô thị và nông thôn; phát triển công nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và đô thị. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan nông thôn.
Thứ tư, cần chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hoá, làm cho giá trị của các di sản văn hoá thấm sâu, lan toả rộng trong đời sống xã hội, nhằm giáo dục lịch sử, truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc; đồng thời mở rộng giao lưu văn hoá hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng nhân cách con người Hoà Bình phát triển toàn diện. Khai thác, phát huy có hiệu quả di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với phát triển kinh tế, cũng cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc trên địa bàn, các biện pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm công bằng xã hội; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh, quân sự địa phương; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội; tăng cường đấu tranh và tổ chức thực hiện có hiệu quả các đợt tấn công trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma tuý; quan tâm giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết tranh chấp đất đai, không để phát sinh khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người, vượt cấp, hình thành các điểm nóng.